Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử: Người tiêu dùng cùng cơ quan chức năng quản lý, đánh giá an toàn vệ sinh thực phẩm
Đăng ngày 09-06-2023 18:24, Lượt xem: 400

Chiều 9-6, Cổng Thông tin Điện tử thành phố phối hợp Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố tổ chức Chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm điện tử: Nâng cao chất lượng - điểm đến an toàn”.


Lãnh đạo Ban quản lý ATTP thành phố thông tin tình hình triển khai Dự án TXNG thực phẩm đến bạn đọc

Thông tin tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng ban Ban quản lý ATTP thành phố cho biết, hiện nay, tình hình ATTP trên địa bàn thành phố vẫn được đảm bảo; các mối nguy về ATTP được phát hiện và xử lý triệt để, nhanh chóng.

Từ cuối tháng 10-2021, Ban Quản lý ATTP thành phố triển khai giai đoạn 1 của Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm (TXNG) thực phẩm. Đây là nền tảng để giải quyết từng bước về vấn đề ATTP cho người dân.

“Mỗi ngày thành phố nhập 90% nông sản tươi sống từ các tỉnh thành thông qua chợ đầu mối, cơ sở giết mổ tập trung trước khi phân phối đến thị trường bán lẻ. Mặt khác, khi chuỗi cung ứng thực phẩm ngày càng mở rộng với sự đa dạng của nguồn cung nguyên liệu, mối nguy về mất an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc phát triển hệ thống TXNG mang lại sự ổn định về chất lượng, độ an an toàn của thực phẩm trong chuỗi cung ứng”, ông Nguyễn Tấn Hải chia sẻ.


Phòng Chuyên môn - Nghiệp vụ giải đáp, trả lời câu hỏi của bạn đọc

Theo kế hoạch, hệ thống TXNGTP sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu đối với 4 chuỗi sản phẩm và chia thành 2 giai đoạn: thịt – trứng (Giai đoạn 1); Rau – trái cây, thủy sản, sản phẩm bao gói (Giai đoạn 2).

Ban quản lý ATTP đang triển khai giai đoạn 1 trên sản phẩm thịt (bao gồm thịt heo và thị bò) với 13 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tham gia. Chuỗi sản phẩm thịt áp dụng truy xuất thông tin theo trình tự từ lò mổ, pha lóc đến đơn vị phân phối (các chuỗi cửa hàng bán lẻ). Mỗi sản phẩm thịt tham gia hệ thống đều có dán tem TXNG thực phẩm.

Hiện, hệ thống truy xuất nguồn gốc đang được phổ biến tại các chợ trên địa bàn thành phố nhưng vẫn chưa được áp dụng triệt để. Thời gian tới, Ban quản lý ATTP sẽ triển khai triệt để và đa dạng các sản phẩm tại chợ không chỉ sản phẩm thịt heo mà còn nhiều sản phẩm khác.

Bà Ngô Thị Kim Thương - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu thông tin, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi đăng ký tham gia Hệ thống TXNG thực phẩm đều được miễn phí; ngoài ra, tùy theo chức năng và nhiệm vụ trên chuỗi cung ứng sẽ được hỗ trợ các vật tư phù hợp như thẻ QR code, tem QR code.

Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có thể đăng ký tham gia Hệ thống ngay trên ứng dụng Danang City Food, trang web https://thucpham.danang.gov.vn/authentification/register hoặc liên hệ trực tiếp với Ban Quản lý ATTP để được hướng dẫn chi tiết.


Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến

Điều kiện đăng ký tham gia và được cấp tài khoản gồm: doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung quy chế và có trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định; tuân thủ quy trình nuôi, trồng, sản xuất, bảo quản sản phẩm thực phẩm theo các tiêu chuẩn cơ sở do các tổ chức thực phẩm ban hành và tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; được cơ quan có thẩm quyền cấp tài khoản sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.

Các cơ sở thực phẩm tham gia ghi nhận thông tin trên hệ thống thì các thông tin đều được cam kết bảo mật tuyệt đối, đối với những thẻ QR code theo đơn hàng trong quá trình lưu chuyển dữ liệu cũng được mã hóa, chỉ những cơ sở trong chuỗi liên kết mới có thể quét và tiếp tục ghi nhận thông tin. Thông tin cuối cùng được công khai trên tem QR code truy xuất nguồn gốc để người dùng có thể quét và biết được sản phẩm có xuất xứ từ đâu qua những công đoạn nào.

Việc TXNG điện tử giúp người dân truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm nhanh chóng qua ứng dụng di động bằng việc quét QR code được dán trên sản phẩm. Các QR code là duy nhất cho mỗi gói sản phẩm đảm bảo tính nhất quán về thông tin.

Hệ thống TXNG điện tử của thành phố cho phép 3 bên cùng tham gia: Cơ quan nhà nước: quản lý, xem báo cáo thống kê, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý các thông tin về mất ATTP; Cơ sở thực phẩm: ghi nhận thông tin theo từng mắt xích, chia sẻ thông tin và kết nối thông tin với nhau để tạo thành thông tin TXNG theo chuỗi cung ứng; Người tiêu dùng: truy được nguồn gốc sản phẩm, bình luận và đánh giá thực phẩm an toàn, báo cáo mất ATTP lên cơ quan nhà nước.


Phòng Chuyên môn - Nghiệp vụ giải đáp, trả lời câu hỏi của bạn đọc

Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Khoa Chương - Giám đốc Công ty TNHH Peco Food cho biết, sau 1 năm áp dụng TXNG thực phẩm, doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh và sản xuất.

“Nhờ áp dụng TXNG, Công ty đã mở rộng tệp khách hàng, nhất là đã thuyết phục được những khách hàng khó tính. Với sự minh bạch thông tin và chất lượng, sản phẩm của Peco Food nhận được sự tin tưởng từ các trường học, bếp ăn tập thể, siêu thị,... Trước đây, Peco Food đã sản xuất sản phẩm thịt heo bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, minh bạch về thông tin, nguồn gốc. Nhưng để có một cơ sở thuyết phục và chứng minh cho người dùng biết đến còn nhiều trở ngại. Việc áp dụng TXNG đã đi đúng với định hướng, sứ mệnh của công ty Peco Food, giúp việc truyền thông và thuyết phục người dùng được hiệu quả hơn”, ông Chương chia sẻ.

Theo bà Tạ Mỹ Trân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Nhung (Thanh Khê), TXNG là việc làm có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo ATTP trong trường học.

“Trường Mầm non Cẩm Nhung đã xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm quy định của thành phố về TXNG để đảm bảo ATTP. Nhà trường làm việc rõ ràng với các nhà cung cấp từ khâu chọn, mua, đến khâu vận chuyển, bảo quản trước khi đưa vào trường học. Tất cả thực phẩm tuyệt đối phải an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhà trường nêu cao vai trò giám sát đối với nguyên liệu đầu vào hàng ngày, có giấy ký kết giao nhận và có sự tham gia của ban đại diện phụ huynh học sinh để đảm bảo tốt vấn đề ATTP”, bà Trân nói.


Đại diện doanh nghiệp, trường học chia sẻ về quá trình và những kết quả tích cực khi tham gia Hệ thống TXNG thực phẩm

Liên quan đến vấn đề bảo đảm ATTP trong bối cảnh thành phố bước vào mùa du lịch cao điểm, ông Nguyễn Tấn Hải cho biết, Ban quản lý ATTP thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, tăng cường giám sát đảm bảo ATTP tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn phục vụ khách du lịch và người dân. Tuyến thành phố thành lập 1 đoàn thanh tra liên ngành, 2 đoàn thành tra chuyên ngành; tuyến quận, huyện thành lập 7 đoàn kiểm tra để kiểm tra các quy định đảm bảo ATTP của các nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Qua kiểm tra, Đoàn sẽ xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, tập trung vào các hành vi sản xuất thực phẩm kém chất lượng, kinh doanh thực phẩm không an toàn, thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ.

Ban quản lý ATTP thành phố khuyến cáo, khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, người dân cần đi thăm khám tại các trung tâm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám và chữa trị kịp thời tránh để các trường hợp chuyển biến nặng gây nguy hiểm đến tính mạng. Lưu ý nên giữ lại thực phẩm nghi ngờ, bao gồm cả nhãn mác, thậm chí chất nôn của người bệnh để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây NĐTP.

Đồng thời, thông báo thông tin về ngộ độc thực phẩm đến Ban Quản lý An toàn thẩm theo số điện thoại đường dây nóng (0935207237) hoặc cơ sở y tế gần nhất hoặc chính quyền địa phương để các cơ quan quản lý nhà nước có thể tiếp  nhận thông tin và xử lý kịp thời.

Tại buổi đối thoại, Ban quản lý ATTP thành phố giải đáp hơn 30 câu hỏi, cung cấp cho bạn đọc các thông tin, kiến thức an toàn thực phẩm, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về TXNGTP điện tử. Từ đó Ban quản lý ATTP cùng đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tham gia đề án TXNGTP, góp phần xây dựng vững chắc 1 trong 4 trụ cột của chương trình “Thành phố 4 an”.

KHÁNH NHI - THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác