Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh
Đăng ngày 18-09-2023 16:07, Lượt xem: 78

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh được ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện trong nhiều năm qua bằng nhiều giải pháp cụ thể, góp phần cùng hệ thống chính trị xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường.

Hiệu quả từ mô hình “Trường học xanh”

Giờ ra chơi, em Kim Ngọc và Ngọc Huy, học sinh lớp 3/1 Trường TH Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) tỉ mỉ nhặt từng chiếc lá úa, tưới nước cho cây cảnh trước hành lang lớp mình. Nhìn hàng cây xanh mướt, Kim Ngọc cho biết, hàng cây trước hành lang được lớp vun trồng cách đây hai năm. Hằng ngày, các em phân công chăm sóc, giúp cây luôn xanh tốt. Cả lớp bạn nào cũng thích thú với việc chăm sóc cây và nhìn cây tươi tốt.

Cô Cao Thị Liêm, Hiệu trưởng Trường TH Điện Biên Phủ cho biết, trường nhỏ nên sân trường không đủ diện tích để trồng cây xanh cổ thụ. Thực hiện mô hình “Trường học xanh” của UBND thành phố, nhà trường chủ trương “xã hội hóa”, kêu gọi cha mẹ học sinh ủng hộ cây xanh để trang trí trước các lớp học. Nhờ đó, những năm qua, các lớp học đều được phủ xanh chậu hoa, cây cảnh, giúp lớp học có một khoảng xanh mát, đồng thời để học sinh tự giác bảo quản cây, tạo ý thức bảo vệ môi trường.

Ghi nhận trên địa bàn quận Thanh Khê, các trường đều chú trọng xây dựng “Trường học xanh”. Ngoài tăng cường trồng cây xanh trên sân trường, hành lang các lớp học được phủ xanh bằng chậu hoa, cây cảnh và học sinh phân công nhau để chăm sóc cây.

Ấn tượng với mảng xanh tại trường tiểu học Điện Biên Phủ. Các trường học trên địa bàn thành phố ngoài việc tăng cường trồng cây xanh tại sân trường thì “Xã hội hóa” để trồng cây cảnh, chậu cảnh trước mỗi lớp học, tạo không gian xanh cho mỗi lớp học

Cô Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quận Thanh Khê cho biết, năm 2019, căn cứ công văn của UBND quận Thanh Khê về kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng Thanh Khê - Quận môi trường”, Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê tham mưu UBND quận ban hành văn bản hướng dẫn các trường học thực hiện, xây dựng “Trường học xanh” theo bộ tiêu chuẩn được quy định tại Quyết định số 9083/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng năm 2014. Kể từ khi triển khai thực hiện cho đến nay, 16 trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Khê đã có sự quan tâm, phấn đấu để được công nhận là “Trường học xanh”.

Qua nhiều đợt, UBND quận đã lập Hội đồng xét duyệt, kiểm tra, công nhận, thu hồi Quyết định công nhận và giấy chứng nhận “Trường học xanh” đối với các trường tiểu học trên địa bàn quận, đến nay, có 15/16 trường tiểu học được công nhận lần đầu và được công nhận lại sau 5 năm. “Mô hình “Trường học xanh” có tác dụng tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh những kiến thức, kỹ năng, tạo môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh, đáp ứng được các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục trong nhà trường. Bên cạnh đó, tạo cảnh quan môi trường lớp học xanh, sạch, đẹp, an toàn, góp phần chung tay xây dựng Thanh Khê - Quận môi trường, Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, cô Chinh nói.

Tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố cũng chủ động xây dựng “Trường học xanh” để qua đó giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Bước vào Trường TH Lâm Quang Thự (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), đập vào mắt chúng tôi là không gian xanh, sân trường rợp bóng mát với nhiều loại cây bàng, phượng, hoa sữa... Đặc biệt, ở hành lang các lớp học, nhiều cây cảnh, giỏ cây xanh và hoa được chưng, xếp bắt mắt. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, xây dựng “Trường học xanh” được nhà trường đặc biệt quan tâm; trường đã đầu tư trồng cây xanh, trang trí tại các bồn hoa, làm vườn thuốc nam. Ngoài ra, ngay từ đầu năm học, nhà trường chỉ đạo các lớp triển khai thực hiện “góc thiên nhiên” tại mỗi lớp.

Học sinh Trường tiểu học Điện Biên Phủ chăm sóc cây cảnh tại trước mỗi lớp học

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang Lê Văn Hoàng cho biết, Phòng GD&ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo việc xây dựng “Trường học xanh” đối với các trường tiểu học trên địa bàn huyện; phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện trong việc đôn đốc, bổ sung kinh phí, cơ sở vật chất thiết bị, tổ chức các hoạt động cụ thể và triển khai các hoạt động kiểm tra, công nhận danh hiệu “Trường học xanh”. Với nỗ lực của ngành và các trường, số trường học được công nhận “Trường học xanh” hằng năm tăng cao. Nếu năm 2015, chỉ có Trường TH Hòa Khương 2, Hòa Liên 2 được công nhận đạt chuẩn “Trường học xanh” thì đến nay, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn huyện đã đạt được tiêu chuẩn.  

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và Công tác học sinh sinh viên, Sở GD&ĐT thành phố cho biết, từ ngày 17-12-2014, UBND thành phố có quyết định về việc ban hành bộ tiêu chuẩn và quy trình xét chọn, công nhận “Trường học xanh” đối với các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Ngay sau đó, năm 2015, các trường bắt đầu triển khai, thực hiện mô hình này. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lồng ghép trong đề án Xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. “Qua gần 10 năm thực hiện, mô hình xây dựng “Trường học xanh” thật sự lan tỏa rộng rãi và mang lại hiệu quả thiết thực. Các trường tiểu học có nhiều chuyển biến tích cực về môi trường, không gian xanh, bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đặc biệt là giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung”, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương nhấn mạnh.

Nhiều mô hình giúp học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Đến các Trường TH Trần Văn Dư, Tôn Đức Thắng, Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ), chúng tôi ghi nhận được ý thức bảo vệ môi trường của các em học sinh. Điều đặc biệt ở các trường là học sinh hầu như không mang thức ăn bỏ trong hộp xốp, bao nylon vào trường học, các em đều có bình nước cá nhân mang theo…, nhờ đó giảm đáng kể rác thải nhựa. Em Nguyễn Thị Duyên, học sinh Lớp 5, Trường TH Tôn Đức Thắng chia sẻ: “Nhà trường luôn nhắc nhở, tuyên truyền học sinh phải có ý thức bảo vệ môi trường, rác phải được bỏ gọn gàng vào sọt rác, hạn chế mang thức ăn đến trường. Nhà em ở gần trường, buổi sáng mẹ nấu và em được ăn sáng ở nhà, được mẹ trang bị bình nước cá nhân để bảo đảm vệ sinh môi trường”.

Từ đầu năm 2022, ngành giáo dục quận Cẩm Lệ xây dựng mô hình “Trường học xanh nói không với rác nhựa” tại Trường TH Tôn Đức Thắng, Trần Văn Dư và Trần Đại Nghĩa. Mô hình nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Với việc triển khai đồng loạt các chương trình, chỉ trong vòng thời gian ngắn đã thay đổi thói quen, hành vi, tăng tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, học sinh thuộc 3 trường tiểu học trên đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn qua những con số cụ thể như 53-100% học sinh mang theo bình nước cá nhân, 20-60% học sinh ăn sáng tại nhà, 20% học sinh mang hộp đựng nhiều lần đi mua đồ ăn, 60% học sinh không bao vở bằng giấy gương…

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ, đến nay, mô hình “Trường học xanh nói không với rác thải nhựa” đã triển khai đến các trường tiểu học trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Với sự hướng dẫn và hỗ trợ của các chuyên gia thông qua chương trình xây dựng “Trường học xanh”, giáo viên và các em học sinh tiểu học trên địa bàn quận tích cực phân loại rác thải, giảm thiểu rác nhựa thông qua việc triển khai sáng kiến, xây dựng các mô hình khả thi chung tay hành động chống rác thải nhựa. “Việc triển khai mô hình “Trường học xanh nói không với rác thải nhựa” đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi học sinh, góp phần xây dựng Quận môi trường”, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT chia sẻ.

Nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang xây dựng mô hình “Tiếng trống môi trường”, “Nốt nhạc xanh”, “Phân loại rác thải”, “Ngày môi trường trong tuần (ngày thứ sáu)”, “Phong trào làm đồ dùng dạy học từ phế phẩm”. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang Lê Văn Hoàng, các mô hình đã phát huy hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường; tạo sự chuyển biến trong hành động của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan học đường xanh, sạch, đẹp; góp phần tuyên truyền trong cộng đồng dân cư ý thức bảo vệ môi trường.

Ngành giáo dục các địa phương phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường trong trường học, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, giáo viên.

Đặc biệt, mô hình “Tiếng trống môi trường” tại Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (huyện Hòa Vang) là mô hình nổi bật và tạo được tiếng vang. Theo Ban giám hiệu nhà trường, mô hình được thực hiện hằng tuần vào cuối giờ sinh hoạt lớp, trong khoảng 15 phút. Sau khi có hiệu lệnh 6 tiếng trống, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh sẽ tham gia tổng dọn vệ sinh trong và ngoài khuôn viên trường, lớp học, phòng làm việc... theo vị trí được phân công cụ thể. Sau 15 phút, có hiệu lệnh 1 tiếng trống sẽ kết thúc việc dọn vệ sinh, giáo viên chủ nhiệm đánh giá, nhận xét hoạt động ngay tại khu vực dọn vệ sinh; nếu không sạch, không bảo đảm sẽ tiếp tục dọn. Nhà trường theo dõi kết quả dọn vệ sinh của các lớp để đánh giá thi đua hằng tuần…

Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận đánh giá, mô hình “Trường học xanh” cũng như các mô hình bảo vệ môi trường trong trường học không chỉ làm thay đổi diện mạo của nhà trường mà còn tạo môi trường giáo dục lành mạnh, rèn luyện ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của học sinh; tạo niềm hứng khởi cho thầy và trò, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

“Môi trường sống có ảnh hưởng tích cực tới việc hình thành nhân cách con người. Với giáo dục, điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi mà đến trường, các em không những chỉ trau dồi tri thức, kiến thức mà còn hình thành nhân cách, kỹ năng sống. Thời gian tới, Sở GD&ĐT thành phố tiếp tục chỉ đạo các trường thực hiện nhiều giải pháp đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, thực hiện hiệu quả hơn nữa việc xây dựng các trường học bảo đảm “xanh - sạch - đẹp - an toàn”...”, bà Thuận nhấn mạnh.

BÙI NGỌC PHÚ

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác