Phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Ngày 6–7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị trực tuyến với 52 điểm cầu trên toàn quốc nhằm tổng kết 5 năm (2010 - 2015) công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) và triển khai phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020.

Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới Vũ Văn Ninh; và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đồng chủ trì hội nghị. Phó chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.



Báo cáo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại hội nghị cho biết, tính đến thời điểm này, cả nước có 492.892/570.448 km đường GTNT (chiếm 86,6% chiều dài toàn bộ mạng lưới đường bộ), trong đó 220.000 km được cứng hóa. Chỉ trong 5 năm, đường GTNT đã tăng thêm 217 nghìn km. Tổng vốn huy động để phát triển đường giao thông nông thôn đạt 186.194 tỷ đồng (tăng 84.418 tỷ so với cả giai đoạn 10 năm trước và tương đương 183%). Để đạt được kết quả này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng các tỉnh thành đã nhìn thấy tầm quan trọng của đường GTNT đối với đời sống người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng rất đồng tình với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, thể hiện sự đồng tâm hiệp lực của Đảng, Nhà nước, xã hội, người dân trong việc huy động nguồn vốn phát triển GTNT”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Đối với Đà Nẵng, phong trào xây dựng GTNT đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Hệ thống GTNT đã có bước phát triển cả về lượng và chất, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội ở nông thôn và các khu vực khác. Cụ thể, đến cuối năm 2014, Đà Nẵng đã có 6/11 xã hoàn thành xã nông thôn mới và toàn bộ 11 xã đều đạt chuẩn các tiêu chí về giao thông. 5 năm qua, trên lĩnh vực phát triển GTNT, toàn thành phố đã xây mới 41,4 km và cải tạo nâng cấp 176,1 km đường, nổi bật nhất là vận động nhân dân hiến 128.000 m2 đất, đóng góp hơn 36 ngàn ngày công để mở rộng GTNT. Dịch vụ vận tải ở nông thôn đáp ứng nhu cầu giao thương và đi lại của nhân dân. Các loại hình xe buýt, taxi hoạt động đến vùng nông thôn, giao thông thông suốt trên địa bàn thành phố.

Hội nghị cũng đã thống nhất mục tiêu, giải pháp thực hiện giai đoạn 2016 – 2020, bao gồm hoàn thành 4 chỉ tiêu về nhựa hóa, bê tông xi măng hóa 100% đường xã, liên xã, hoàn thành ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM, xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã, 100% đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo Chiến lược phát triển GTNT. Đến trước năm 2020 sẽ hoàn thành giai đoạn II xây dựng hơn 3.900 cầu của Đề án xây dựng cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương những kết quả mà các tỉnh thành đạt được trong 5 năm qua. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và các tỉnh thành tiếp tục phát huy các nguồn lực của trung ương và địa phương, lồng ghép vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hoàn thành chương trình GTNT. Bên cạnh đó, phấn đấu đưa phong trào xây dựng NTM trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước; tăng cường sự giám sát của người dân và tiếp tục vận động người dân vào cuộc, việc gì vừa sức với dân thì để dân trực tiếp tham gia làm, tuy nhiên chú ý huy động vừa sức của dân và chú ý đối với người nghèo; đồng thời ưu tiên nguồn lực cho các xã miền núi. Ngoài ra, Bộ GTVT cần ban hành khung hướng dẫn chấm điểm sao cho phù hợp với từng vùng miền, phù hợp với điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên của từng tỉnh thành.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tặng Bằng khen cho 15 tỉnh thành có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, quản lý GTNT.

HIỀN TRANG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác