Chiều 18-7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi chủ trì cuộc họp nghe báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo nội dung chuyên môn thuộc chức năng tham mưu của Sở liên quan đến kết quả thực hiện Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết 47/2022/NQ-HĐND và rà soát địa bàn có đối tượng hưởng chính sách quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08-9-2020 của Chính phủ.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết 47/2022/NQ-HĐND và rà soát địa bàn có đối tượng hưởng chính sách quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08-9-2020 của Chính phủ.
Theo đó, tính đến tháng 12-2023, hơn 8 tỉ đồng hỗ trợ cho hơn 29,4 nghìn trẻ hưởng chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp (Điều 8 Nghị định số 105/NĐ-CP).
Về chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động (Điều 5 Nghị định 105/NĐ-CP), toàn thành phố có 02/07 quận, huyện đủ điều kiện thụ hưởng (quận Liên Chiểu và quận Cẩm Lệ). Trong đó có 38 cơ sở giáo dục mầm non độc lập được hưởng chính sách.
Theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ về hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, tại Điều 75 đã xác định hai trường hợp được coi là nơi có nhiều lao động.
Trường hợp thứ nhất gồm những khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (gọi chung là khu công nghiệp - KCN) có từ 5 nghìn người lao động trở lên làm việc trong các doanh nghiệp và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn KCN. Những đối tượng này đã được thụ hưởng theo Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số 47/2022/NQ-HDNĐ.
Trường hợp thứ 2 gồm xã, phường, thị trấn có từ 3 nghìn người lao động trở lên đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú tại xã, phường, thị trấn đó. Những đối tượng này chưa được thụ hưởng chính sách.
Sở GDĐT đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị lập danh sách và thống kê số liệu công nhân tại các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp…theo các trường hợp trên.
Quang cảnh cuộc họp
Để đảm bảo công bằng về chế độ, chính sách cho trẻ em, giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục trên địa bàn thành phố. Đặc biệt không bỏ sót đối tượng thụ hưởng theo quy định đối với trẻ em, giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non tại các địa bàn xã, phường có trên 3 nghìn lao động, Sở GDĐT đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo để Sở GDĐT có cơ sở tham mưu HĐND thành phố ban hành Nghị quyết mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách theo Nghị định 105/NĐ-CP.
Tại cuộc họp, qua nghe báo cáo và đóng góp ý kiến của các đơn vị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi đánh giá cao Sở GD&ĐT, các sở, ngành và UBND các quận huyện phối hợp thực hiện tốt chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; giáo viên mầm non ngoài công lập ở địa bàn có KCN; các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động theo Nghị quyết 38/2021/NQ-HĐND ngày 12-8-2021 của HĐND thành phố.
Đồng thời, thống nhất chủ trương rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách phù hợp với quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08-9-2020 của Chính phủ nhằm đảm bảo công bằng về chế độ, chính sách cho trẻ em, giáo viên, cơ sở GDMN thuộc loại hình dân lập, tư thục và đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan rà soát kỹ đối tượng, tránh bỏ sót hoặc trùng lắp, xây dựng hồ sơ báo cáo, dự thảo đề xuất chính sách, tham mưu UBND thành phố trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
KHÁNH NHI