Chính sách nổi bật về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 6/2018
Đăng ngày 07-06-2018 03:56, Lượt xem: 278

Quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP; Vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản phạt đến 200 triệu đồng; Hỗ trợ trồng rừng tới 10 triệu đồng/ha; Thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù; Thủ tục công nhận nghề truyền thống; Thuốc lá ngoại nhập lậu được bán đấu giá để xuất khẩu... là những chính sách nổi bật về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 6/2018.

Quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP

Theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/05/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ 19/06/2018, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết. 

Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ  cũng quy định nhiều ưu đãi với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cụ thể, chủ đầu tư theo hình thức đối tác công tư được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án được hưởng ưu đãi theo quy định về thuế xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, chủ đầu tư còn được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định về đất đai cùng các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.

Vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản phạt đến 200 triệu đồng

Đây là nội dung chính quy định tại Nghị định số 64/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản. 

Nghị định số 64/2018/NĐ-CP nêu rõ, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản quy định tại Nghị định này bao gồm: vi phạm quy định theo Nghị định số 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản gồm các vi phạm về sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản; mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản; nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản; khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản; sản xuất, gia công, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản quá hạn sử dụng; sử dụng kháng sinh, chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; vi phạm các quy định về quản lý và bảo tồn nguồn gen vật nuôi; khai thác và bảo tồn nguồn gen vật nuôi quý hiếm; khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi mới; sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi; quản lý chất lượng giống vật nuôi cũng là hành vi vi phạm.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản là 1 năm, trừ các trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực giống vật nuôi đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.

Nghị định số 64/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 22/6/2018 và thay thế Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Hỗ trợ trồng rừng tới 10 triệu đồng/ha

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành hướng dẫn thực hiện Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

Theo đó, nội dung thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng gồm: Trồng rừng; trồng cây phân tán; rừng giống, vườn giống; sản xuất giống cây rừng chất lượng cao; vườn ươm giống; hỗ trợ đường lâm nghiệp; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chế biến gỗ; dự án đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các Công ty nông, lâm nghiệp.

Quy mô một dự án bảo vệ và phát triển rừng, dự án trồng rừng tối thiểu là 500 ha; đối với rừng ngập mặn tối thiểu là 300 ha. Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có đủ diện tích trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được lập một dự án bảo vệ và phát triển rừng.

Cụ thể, hỗ trợ trồng rừng, khảo sát, thiết kế tại các xã biên giới và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Tây Nguyên với mức 10.000 nghìn đồng/ha; Ngoài xã biên giới với mức 8.000 nghìn đồng/ha. Chi phí hỗ trợ một lần giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoán đất trồng rừng (cá nhân, hộ gia đình) với mức 300 nghìn đồng/ha;  Chi phí hỗ trợ một lần giao đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoán đất trồng rừng (các tổ chức, cộng đồng) với mức 150 nghìn đồng/ha.

Thông tư số 02/2018/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018.

Thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. 

Cụ thể, phương tiện vận tải vận chuyển hành khách tuyến cố định, thường xuyên xuất cảnh, nhập cảnh qua cùng một cửa khẩu theo giấy phép liên vận thì người điều khiển phương tiện chỉ phải khai hải quan phương tiện vận tải 1 lần trong thời hạn 30 ngày. Các lần xuất cảnh, nhập cảnh tiếp theo được cơ quan Hải quan cập nhật theo dõi bằng sổ hoặc bằng máy tính và thanh khoản tờ khai vào lần tái xuất hoặc tái nhập cuối cùng.

Đối với các trường hợp phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh là xe cứu thương, cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, làm nhiệm vụ khẩn cấp không có giấy phép thì thủ tục như sau: Người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khai vào tờ khai phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, xuất trình các giấy tờ liên quan đến phương tiện vận tải và giấy tờ tùy thân của người điều khiển phương tiện vận tải; cơ quan hải quan tiếp nhận hồ sơ do người khai hải quan nộp, xuất trình, kiểm tra thực tế phương tiện vận tải, nhập thông tin vào hệ thống phần mềm quản lý phương tiện vận tải đường bộ và thông báo cho các đơn vị, cơ quan có liên quan để phối hợp, theo dõi, xử lý.

Đối với ô tô mang biển kiểm soát riêng của khu kinh tế cửa khẩu, ô tô biển kiểm soát riêng của khu kinh tế cửa khẩu vào nội địa phải làm thủ tục hải quan tạm nhập - tái xuất theo quy định; ô tô biển kiểm soát riêng của khu kinh tế cửa khẩu nếu được cấp giấy phép liên vận ra nước ngoài phải làm thủ tục tạm xuất - tái nhập theo quy định.

Đối với phương tiện vận tải gồm ôtô, mô tô, xe gắn máy của tổ chức, cá nhân nước thứ 3 không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam tham gia ký kết khi xuất cảnh hay nhập cảnh phải có văn bản cho phép hoặc chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam mới được giải quyết thủ tục hải quan.

Phương tiện vận tải quá cảnh khi nhập cảnh, xuất cảnh thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Điều 74, Điều 75, Điều 76 và Điều 77 Nghị định này; phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân của một nước láng giềng ký kết Hiệp định vận tải song phương với Việt Nam đã làm thủ tục tạm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, khi tái xuất sang lãnh thổ của một nước láng giềng khác có ký kết Hiệp định vận tải song phương với Việt Nam phải có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Nghị định số 59/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 5/6/2018.

Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa DNNN

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 40/2018/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Theo đó, giá bán cổ phần cho các nhà đầu tư qua đấu giá là giá nhà đầu tư đặt mua tại cuộc đấu giá và được xác định là trúng đấu giá theo kết quả đấu giá. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa bán cổ phần theo hình thức bảo lãnh phát hành thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa thỏa thuận với Tổ chức bảo lãnh phát hành về giá bảo lãnh nhưng không thấp hơn giá khởi điểm được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.

Giá bán cổ phần ưu đãi cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP như sau: Giá bán cổ phần cho đối tượng quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP được xác định bằng 60% giá trị một cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần).

Giá bán cổ phần cho đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP là giá khởi điểm được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trong phương án cổ phần hóa.

Giá bán cổ phần ưu đãi cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần).

Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược: Trường hợp đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược thì giá bán là giá nhà đầu tư chiến lược đặt mua được xác định là trúng đấu giá của cuộc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược nhưng không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai ra công chúng hoặc không thấp hơn giá đã thỏa thuận với nhà đầu tư trong trường hợp cuộc đấu giá công khai chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần hoặc không thấp hơn giá khởi điểm của cuộc đấu giá công khai trong trường hợp cuộc đấu giá công khai không thành công và đảm bảo nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư có giá đặt mua từ cao xuống thấp cho đủ số lượng cổ phần bán ra.

Trường hợp có từ hai nhà đầu tư chiến lược trở lên đăng ký mua cổ phần với khối lượng đăng ký mua bằng hoặc nhỏ hơn số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt hoặc chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần thì giá bán do Ban chỉ đạo cổ phần hóa (hoặc tổ chức được Ban chỉ đạo cổ phần hóa ủy quyền) thỏa thuận với từng nhà đầu tư nhưng không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai ra công chúng hoặc không thấp hơn giá đã thỏa thuận với nhà đầu tư trong trường hợp cuộc đấu giá công khai chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần hoặc không thấp hơn giá khởi điểm của cuộc đấu giá công khai trong trường hợp cuộc đấu giá công khai không thành công.

Thông tư số 40/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/6/2018.

Thuốc lá ngoại nhập lậu được bán đấu giá để xuất khẩu

Việc bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để xuất khẩu ra nước ngoài sẽ được thí điểm thực hiện từ ngày 15/06/2018 đến hết ngày 15/06/2020, nội dung trên được quy định tại Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định nêu rõ, việc bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu vẫn đảm bảo chất lượng thực hiện theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu thuốc lá ngoại nhập lậu phải đảm bảo các nguyên tắc: Chỉ được xuất khẩu qua các cửa khẩu đường biển, đường thủy, đường hàng không quốc tế; Không được xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền; Không xuất khẩu sang các nước có chung biên giới. Trường hợp quá cảnh qua các nước có chung đường biên giới thực hiện theo Hiệp định quá cảnh hàng hóa đã ký với các nước.

 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác