Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2018
Đăng ngày 08-08-2018 03:18, Lượt xem: 298

Phân loại luồng xanh, luồng đỏ trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; 3 điều kiện với thương nhân kinh doanh mua bán khí; Biểu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Liên kết trong sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đến 10 tỷ; Hướng dẫn mới về khai báo y tế đối với hàng hóa là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2018.

Phân loại luồng xanh, luồng đỏ trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư  số 15/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về việc phân luồng trong quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi.

Thông tư số 15/2018/TT-BCT gồm 5 Chương, 15 Điều và có hiệu lực từ ngày 15/8/2018. Theo đó, phân chia thành 3 luồng khác nhau trong quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi, bao gồm luồng xanh, luồng đỏ và luồng thông thường.

Cụ thể, luồng xanh là chế độ ưu tiên trong quy trình cấp C/O ưu đãi, thương nhân được ưu tiên miễn, giảm, nộp chậm chứng từ, giảm thời gian cấp C/O và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình đề nghị cấp C/O.

Đối với luồng xanh, thương nhân được miễn, giảm chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp C/O ưu đãi; miễn kiểm tra thực tế hàng hóa và cơ sở sản xuất trong quá trình đề nghị cấp C/O ưu đãi; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cấp C/O; được phép gia hạn thời gian nộp chậm chứng từ trong vòng 45 ngày làm việc đối với các chứng từ được phép nộp chậm.

Thời gian xử lý hồ sơ cấp C/O ưu đãi đối với trường hợp thương nhân áp dụng chế độ luồng xanh nộp hồ sơ dưới dạng bản giấy là tối đa 6 giờ làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Thương nhân áp dụng chế độ luồng xanh cũng được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa và cơ sở sản xuất trong quá trình đề nghị cấp C/O ưu đãi.

Luồng đỏ là chế độ cần kiểm soát trong quy trình cấp C/O ưu đãi. Theo đó thương nhân phải nộp chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa đối với tất cả các lô hàng, có thể được yêu cầu kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình đề nghị cấp C/O.

Đối với luồng đỏ, thương nhân bắt buộc phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về bộ hồ sơ C/O, thời gian xét duyệt và kiểm tra năng lực sản xuất. Mặt hàng áp dụng chế độ luồng đỏ được xác định theo tiêu chí là mặt hàng có nguy cơ cao gian lận xuất xứ hàng hóa để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu hoặc hưởng lợi từ cam kết thuế quan ưu đãi mà nước nhập khẩu dành cho Việt Nam.

Hoặc là mặt hàng có lượng C/O thuộc diện điều tra xác minh xuất xứ hàng hóa tăng đáng kể và bất thường theo đề nghị của nước nhập khẩu.
Luồng thông thường là chế độ hiện hành trong quy trình cấp C/O ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Để được áp dụng chế độ luồng xanh trong quy trình cấp C/O ưu đãi, thương nhân cần được Bộ Công Thương công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, hoặc thương nhân được Bộ Tài chính công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Việc phân luồng trong quy trình cấp C/O ưu đãi thực hiện theo cơ chế tự động. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi thông báo công khai các trường hợp áp dụng chế độ luồng xanh, luồng thông thường hoặc luồng đỏ tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử.

3 điều kiện với thương nhân kinh doanh mua bán khí

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí. Theo đó, thương nhân kinh doanh mua bán khí phải đáp ứng các điều kiện sau:

Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật; có bồn chứa khí đáp ứng các quy định về an toàn hoặc có chai LPG đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường hoặc có hợp đồng thuê bồn, thuê chai LPG; đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai như sau: Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật; có hợp đồng tối thiểu 1 năm bán LPG chai với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp cửa hàng trực thuộc của thương nhân; đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó Nghị định số 87/2018/NĐ-CP  nêu rõ, các thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện có thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận.

Các cơ sở kinh doanh khí đã tồn tại trước ngày Nghị định số 87/2018/NĐ-CP có hiệu lực, chưa đáp ứng khoảng cách an toàn về bố trí bồn chứa, khu vực nạp, sau 3 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Nghị định số 87/2018/NĐ-CP đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh về quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất, quy định bắt buộc phải thiết lập hệ thống phân phối; các thủ tục hành chính còn nhiều và rườm rà. Cụ thể, các điều kiện gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp đã được bãi bỏ, đơn cử như quy định nhà phân phối phải có 100.000 bình gas...

Nghị định số 87/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2018 và thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016.

Biểu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

Ngày 25/06/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan Trung ương thực hiện thẩm định có hiệu lực từ ngày 10/8/2018..

Biểu mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tùy mức vốn đầu tư. Cụ thể:

- Với dự án công trình dân dụng: Từ 08 - 84 triệu đồng;

- Với dự án hạ tầng kỹ thuật: Từ 8,6 - 86 triệu đồng;

- Với dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi: Từ 8,8 - 88 triệu đồng; 

- Với dự án giao thông: Từ 9,2 - 92 triệu đồng; 

- Với dự án công nghiệp: Từ 9,6 - 96 triệu đồng. 

- Với dự án xử lý chất thải và cải thiện môi trường và các dự án khác: Từ 6 - 61 triệu đồng.

Trong đó, mức thu phí thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường bằng 50% mức thu phí thẩm định lần đầu tương ứng.

Chậm nhất là ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước thuộc diện khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, thì được trích để lại 90% tổng số tiền phí thẩm định thực thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 10% vào ngân sách nhà nước.

Thông tư số 56/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 10/8/2018.

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đến 10 tỷ

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết (nhà xưởng, bến bãi …). Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

- Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng.

- Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Để được hưởng ưu đãi, các bên liên kết phải đảm bảo một số điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch; Có Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm chất lương sản phẩm, an toàn thực phẩm; Thời gian liên kết tối thiểu 03 năm hoặc 05 năm.

Nghị định số 98/2018/NĐ-CP  ban hành ngày 5/7/2018, có hiệu lực từ ngày 20/8/2018.

Hướng dẫn mới về khai báo y tế đối với hàng hóa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 89/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

Theo đó, từ ngày 10/8/2018, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh phải được khai báo y tế, trừ trường hợp hàng hóa quá cảnh mà không bốc dỡ khỏi phương tiện, hàng hóa thuộc diện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với hàng hóa vận tải bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không: người khai báo y tế khai, nộp giấy khai báo y tế hàng hóa theo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Nghị định này, giấy chứng nhận kiểm tra/xử lý y tế hàng hóa, phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không theo Mẫu số 09 Phụ lục kèm theo Nghị định này (nếu có) cho tổ chức kiểm dịch y tế biên giới hoặc qua Cổng thông tin một cửa quốc gia trước khi hàng hóa được phép nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh.

Đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy: người khai báo y tế thực hiện khai, nộp bản sao bản khai hàng hóa theo Mẫu số 43 quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải và giấy chứng nhận kiểm tra y tế hàng hóa (trên tàu thuyền), tàu thuyền theo Mẫu số 10 Phụ lục kèm theo Nghị định này (nếu có) cho tổ chức kiểm dịch y tế biên giới hoặc qua Cổng thông tin một cửa quốc gia trước 12 giờ kể từ khi hàng hóa dự kiến nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh.

Cơ quan hải quan; cơ quan kiểm dịch động, thực vật có trách nhiệm thực hiện các nội dung liên quan về kiểm dịch y tế biên giới theo đề nghị của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới khi kiểm tra thực tế đối với hàng hóa là động vật, thực vật, thực phẩm và các loại hàng hóa khác bị nghi ngờ hoặc được xác định mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Cơ quan biên phòng, công an, cảng vụ, hải quan chỉ được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh đối với người và phương tiện vận tải; nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh đối với hàng hóa; vận chuyển qua biên giới đối với thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người sau khi có xác nhận đã hoàn thành việc kiểm dịch y tế của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới theo quy định tại Nghị định này.

 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác