Chính sách nổi bật có hiệu lực tháng 9/2018
Đăng ngày 27-09-2018 02:36, Lượt xem: 124

Hỗ trợ người có công ở nước ngoài; Sửa việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng; Văn bản điện tử phải gửi trong ngày ký; Hiệu trưởng trường phổ thông phải đủ 5 tiêu chuẩn; Trường đại học phải cam kết chất lượng trên trang thông tin điện tử; Siết quản lý hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2018.

Hỗ trợ người có công ở nước ngoài

Từ ngày 5/9/2018, Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20/7/2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài chính thức có hiệu lực .

Đối tượng áp dụng gồm: người đã có quyết định công nhận là người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng (bao gồm cả thân nhân của liệt sĩ được hưởng trợ cấp hằng tháng); Người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đang định cư ở nước ngoài; Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài;  Dân công hỏa tuyến, được Ủy ban hành chính hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung và được giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ tại các chiến trường, địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; Thân nhân của đối tượng theo quy định. 

Cụ thể, các đối tượng là người có công với cách mạng nêu trên sẽ được trợ cấp 4 triệu đồng đối với người đủ 2 năm công tác trở xuống. Với người từ trên 2 năm thì năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1,5 triệu đồng.

Trường hợp đã mất trước ngày Nghị định số 102/2018/NĐ-CP có hiệu lực thì thân nhân được nhận trợ cấp một lần 6 triệu đồng.
 

Sửa việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đã được quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Cụ thể, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

- Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:

Hạng 1: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 7 năm trở lên.

Hạng 2: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 4 năm trở lên (quy định cũ là 5 năm trở lên).

Hạng 3: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 2 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học (quy định cũ là 3 năm trở lên); từ 3 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp (quy định cũ là 5 năm trở lên).

- Đạt yêu cầu sát hạch về kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.

Nghị định số 100/2018/NĐ-CP  có hiệu lực từ ngày 15/9/2018, 

Văn bản điện tử phải gửi trong ngày ký 

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Theo đó, từ 06/9/2018, văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có).

Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên, ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận.

Hiệu trưởng trường phổ thông phải đủ 5 tiêu chuẩn

Có hiệu lực thi hành từ 04/9/2018, Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông , hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí.

Đó là các tiêu chuẩn về phẩm chất nghề nghiệp với 3 tiêu chí những yêu cầu như thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp, có ảnh hưởng tích cực tới cán bộ quản lý cơ sở, có tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho tất cả học sinh...; có năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thânnhư đổi mới, sáng tạo trong việc vận dụng các hình thức, phương pháp và lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ bản thân;

Tiêu chuẩn Quản trị nhà trường có 7 tiêu chí. Theo đó, yêu cầu hiệu trưởng biết lãnh đạo, quản trị các hoạt động trong nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phù hợp với phong cách học tập đa dạng, nhu cầu, sở thích và mức độ sẵn sàng học tập của mỗi học sinh.

Tiêu chuẩn Xây dựng môi trường giáo dục yêu cầu hiệu trưởng tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.

Tiêu chuẩn Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội yêu cầu hiệu trưởng tổ chức các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và huy động, sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường.

Tiêu chuẩn cuối cùng là sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin được đánh giá với 2 tiêu chí về thành thạo những kỹ năng này.

Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT cũng quy định rõ, hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học; Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan quản lý cấp trên quyết định rút ngắn chu kỳ đánh giá.

Trường đại học phải cam kết chất lượng trên trang thông tin điện tử

Đây là quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại Thông tư số 15/2018/TT-BGDĐT về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, trang thông tin điện tử của các trường được xây dựng nhằm công khai, minh bạch thông tin của cơ sở giáo dục đại học theo quy định hiện hành và cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin chính thống của cơ sở giáo dục đại học trên môi trường mạng.

Theo đó, thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Nhóm thông tin công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; nhóm thông tin công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; nhóm thông tin công khai thu chi tài chính.

Thông tin về tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy và thời hạn đăng tin lên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, bao gồm: Đề án tuyển sinh, thông tin tuyển sinh; thông tin liên quan đến điều kiện, hồ sơ, thủ tục, thời gian và địa điểm đăng ký dự thi, sơ tuyển, xét tuyển; thông tin cần thiết để thí sinh đăng kí xét tuyển; kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển.
Thông tin về tuyển sinh, đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đăng tin lên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Thông tin về phương thức tuyển sinh, số lần tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh trong năm và địa điểm tuyển sinh; thông tin về việc học bổ sung, quy định về học bổ sung kiến thức; thông tin thông báo tuyển sinh; danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi; danh sách thí sinh trúng tuyển.

Thông tư số 15/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ 11/9/2018.

Siết quản lý hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng

Đây là nội dung nổi bật quy định tại  Thông tư số 37/2016/TT-NHNN về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia.

Theo đó, từ ngày 01/9, việc thanh toán nợ giữa các thành viên không phải là đơn vị Ngân hàng Nhà nước phải có hợp đồng ủy quyền trước.

Nợ giữa các thành viên trong hợp đồng ủy quyền trước hoặc văn bản thỏa thuận về việc thanh toán phải bao gồm tối thiểu các yếu tố sau: Hạn mức tối đa trong ngày được thanh toán nợ giữa các thành viên; Hạn mức tối đa của một lệnh thanh toán nợ không cần xác nhận nợ; Thời hạn hiệu lực của hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận.

 

N.HẠNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác