Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2018
Đăng ngày 26-11-2018 08:03, Lượt xem: 176

5 trường hợp được cấp miễn phí hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; Thêm trường hợp tạm dừng cưỡng chế thuế; Ngân hàng phải giữ bí mật thông tin khách hàng; Phải lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa Quy định mới trong thủ tục cấp phép vận tải biển nội địa cho tàu nước ngoài ... là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2018.

5 trường hợp được cấp miễn phí hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, 5 trường hợp được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền, gồm;

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập doanh nghiệp.

- Hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong thời gian 12 tháng kể từ tháng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định của Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp được cung cấp miễn phí hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, thì đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy định của Bộ Tài chính (trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao) cũng được cung cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế miễn phí.

Ngoài các trường hợp trên, để khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử, đối với các trường hợp cần thiết khác, Bộ Tài chính sẽ quyết định cho phép cung cấp miễn phí hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.

Thêm trường hợp tạm dừng cưỡng chế thuế

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 87/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 215/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, có nhiều nội dung mới nổi bật về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Cụ thể, Thông tư số 87/2018/TT-BTC cho phép tạm dừng hoặc chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế nếu đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế mà cơ quan thuế đã ban hành một trong các văn bản như: Thông báo nộp dần tiền thuế nợ; Quyết định gia hạn nộp thuế; Thông báo không tính tiền chậm nộp.

Điểm đáng chú ý khác tại Thông tư số 87/2018/TT-BTC, quyết định cưỡng chế thuế được gửi qua mạng. Theo đó, nếu người nộp thuế đã có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được gửi theo phương thức điện tử. Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp hoặc bằng thư bảo đảm qua bưu điện.

Thông tư số 87/2018/TT-BTC cũng sửa đổi quy định về thời điểm phải ban hành quyết định cưỡng chế. Cụ thể, sau ngày thứ 90 kể từ ngày số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế hết thời hạn nộp thuế…, quyết định cưỡng chế thuế sẽ được ban hành, thay vì quy định cụ thể trong ngày thứ 91 như trước đây. 

Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tại nhiều tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước khác nhau thì người có thẩm quyền căn cứ vào số lượng tài khoản mở tại các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước để ban hành quyết định cưỡng chế, trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản. Đồng thời, yêu cầu tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước phong tỏa tài khoản với các tài khoản còn lại của người nộp thuế tương ứng với số tiền bị cưỡng chế trong trường hợp cần thiết.

Thông tư số 87/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2018.

Ngân hàng phải giữ bí mật thông tin khách hàng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, từ 1/11/2018, những thông tin như mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập... của người sử dụng dịch vụ ngân hàng phải được các nhà băng bảo mật, không được cung cấp cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.

Nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gồm:

- Thông tin của khách hàng phải được giữ bí mật, chỉ được cung cấp theo quy định của pháp luật.

- Không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân chỉ được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định pháp luật hoặc được sự đồng ý của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lưu giữ, bảo quản thông tin khách hàng, hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, việc giao nhận thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Phải lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vừa được Chính phủ ban hành.

Theo đó, hóa đơn điện tử bao gồm: Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn áp dụng đối với người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Hóa đơn giá trị gia tăng trong trường hợp này bao gồm cả hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Các loại hóa đơn khác, gồm: Tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác nhưng có nội dung quy định tại Điều 6 Nghị định này. Các loại hóa đơn điện tử trên phải theo định dạng chuẩn dữ liệu do Bộ Tài chính quy định.

Cũng theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ hóa đơn điện tử hợp pháp được chuyển đổi thành chứng từ giấy. Việc chuyển đổi hóa đơn điện tử thành chứng từ giấy phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của hóa đơn điện tử và chứng từ giấy sau khi chuyển đổi.
Hóa đơn điện tử được chuyển đổi thành chứng từ giấy thì chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định.

Quy định mới trong thủ tục cấp phép vận tải biển nội địa cho tàu nước ngoài 

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 48/2018/TT-BGTVT về thủ tục cấp Giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài.

Theo đó, từ ngày 1/11/2018, hồ sơ đề nghị cấp phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài vận chuyển hàng hóa hoặc vận chuyển hành khách ngoài việc bao gồm: Đơn đề nghị (theo mẫu), 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký tàu biển, 1 hồ sơ đăng kiểm tàu biển, các giấy tờ liên quan khác được sửa theo hướng tách bạch đối với các trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp và nộp hồ sơ qua bưu điện.

Đối với tàu biển nước ngoài vận tải nội địa hàng hóa siêu trường, siêu trọng hoặc các loại hàng hóa khác bằng tàu biển chuyên dùng, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sẽ bao gồm thêm: 1 bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); Bản sao chứng thực (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện) một trong các loại giấy tờ: Hợp đồng đại lý hoặc giấy chỉ định đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài (trường hợp tổ chức đề nghị là đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài) hoặc hợp đồng thuê tàu giữa chủ tàu nước ngoài với pháp nhân Việt Nam.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài vận chuyển hành khách, hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền cũng được tách bạch tương tự như nhóm tàu vận chuyển hàng hóa (trừ hợp đồng thuê tàu giữa chủ tàu nước ngoài với pháp nhân Việt Nam). 

 MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác