Chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 1/2019
Đăng ngày 01-01-2019 08:32, Lượt xem: 136

Áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới  từ 1/1/2019; Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; Tăng giá khám bệnh BHYT từ 15/1/2019; Giảm giá khám bệnh cho bệnh nhân không có BHYT; Không yêu cầu trình độ tiếng Anh đối với đăng kiểm viên xe cơ giới.... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2018.

Áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới  từ 1/1/2019

Chính phủ ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng mới cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo Điều 3 của Nghị định số 157/2018/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp áp dụng từ ngày 01/01/2019 tăng từ 160.000 - 200.000 đồng/tháng, cụ thể như sau:

- Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I: 4.180.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP );

- Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng II: 3.710.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng so với Nghị định 141);

- Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng III: 3.250.000 đồng/tháng (tăng 160.000 đồng so với Nghị định 141);

- Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng (tăng 160.000 đồng so với Nghị định 141).

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở cho doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc 

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Theo đó,  để thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải công khai 07 nội dung sau:

- Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

- Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có);

- Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;

- Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh;

- Nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;

- Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia;

- Nghị quyết Hội nghị người lao động.

Nghị định số 149/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ quyền được tham gia ý kiến của người lao động đối với các nội dung như:

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể;

- Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ;

- Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 149/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 

Tăng giá khám bệnh BHYT từ 15/1/2019

Từ 15/01/2019, giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được áp dụng theo Thông tư  số 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Theo đó, giá khám bệnh được quy định như sau:

- Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 37.000 đồng/lượt (tăng 3.900 đồng so với mức cũ);

- Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (tăng 3.400 đồng so với mức cũ);

- Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (tăng 2.800 đồng so với mức cũ);

- Bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (tăng 2.700 đồng so với mức cũ).

Riêng giá hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) là 200.000 đồng.

Giảm giá khám bệnh cho bệnh nhân không có BHYT

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đã được Bộ Y tế ban hành.

Theo đó, từ ngày 15/01/2018,   giá tối đa của dịch vụ khám bệnh sẽ giảm so với trước đây, cụ thể:

- Bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng I: 37.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt);

- Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt);

- Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt);

- Bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (giảm 3.000 đồng/lượt).

Riêng giá khám sức khỏe toàn diện người lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) có mức giá tối đa là 145.000 đồng.

Không yêu cầu trình độ tiếng Anh đối với đăng kiểm viên xe cơ giới

Nội dung trên được quy định tại  Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo Nghị định số 139/2018/NĐ-CP, bãi bỏ 2 điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên (ĐKV) xe cơ giới, cụ thể là yêu cầu về trình độ tiếng Anh và được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới. Như vậy, đăng kiểm viên xe cơ giới chỉ cần đáp ứng 04 điều kiện sau là được cấp Giấy chứng nhận:

- Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo Kỹ thuật cơ khí;

- Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên;

- Có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới;

- Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.

Cũng theo Nghị định số 139/2018/NĐ-CP, khi đánh giá lần đầu hoặc đánh giá lại trình độ ĐKV để cấp chứng nhận nghề nghiệp, Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận cho ĐKV trong vòng 5 ngày sau khi có kết quả đánh giá. Trường hợp “thi trượt”, trung tâm đăng kiểm, ĐKV được quyền đề nghị Cục Đăng kiểm VN đánh giá lại sau 1 tháng kể từ ngày đánh giá (trước đây quy định phải sau 6 tháng mới được đề nghị).

Thời gian cấp lại giấy chứng nhận ĐKV đối với trường hợp hết hạn cũng chỉ còn tối đa 3 ngày sau khi có kết quả đánh giá; trường hợp cấp lại giấy chứng nhận bị mất hoặc hỏng tối đa sau 5 ngày Cục Đăng kiểm VN nhận được đơn đề nghị (giảm 2 ngày so với trước).

Cùng với đó, chế tài tạm đình chỉ ĐKV tham gia hoạt động kiểm định phương tiện giao thông vẫn giữ nguyên mức 1 - 3 tháng trong các trường hợp: làm sai lệch kết quả kiểm định; không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định. Tuy vậy, chế tài xử lý vi phạm bổ sung quy định sẽ thu hồi giấy chứng nhận ĐKV đối với ĐKV có hành vi vi phạm như trên và đến mức “gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến an toàn phương tiện”.

 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2019, thay thế Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016.

 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác