Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 1/2019
Đăng ngày 02-01-2019 02:10, Lượt xem: 2359

Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động; Hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước; Quy định mới trong nghiệp vụ kế toán, thuế theo Thông tư 112/2018/TT-BTC; Miễn thuế, lệ phí xuất,nhập khẩu cho hàng hóa cho hàng hóa cứu trợ thiên tai... là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 1/2019.

Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động

Bộ Lao động thương binh và xã hội vừa ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ít nhất mỗi năm 1 lần nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến tuân thủ. Người sử dụng lao động phối hợp với đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động.

Thời gian kiểm tra do doanh nghiệp quyết định nằm trong khoảng từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra.

Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ, những nội dung doanh nghiệp cần tiến hành tự kiểm tra bao gồm: việc thực hiện báo cáo định kỳ; tuyển dụng và đào tạo lao động; giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; trả lương cho người lao động; tổ chức, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; tham gia và trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hàng tháng cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia; giải quyết tranh chấp và khiếu nại về lao động...

Hồ sơ tự kiểm tra bao gồm: phiếu tự kiểm tra; kết luận tự kiểm tra; văn bản thành lập đoàn tự kiểm tra và các tài liệu, hồ sơ phát sinh.

Nếu doanh nghiệp không tự kiểm tra thì đây là cơ sở để cơ quan thanh tra Nhà nước về lao động tiến hành thanh tra đột xuất hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra năm sau. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không chấp hành việc tự kiểm tra thì đây cũng là tình tiết tăng nặng để quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 99/2018/TT-BTC hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước

Theo đó, đối tượng áp dụng là các đơn vị kế toán nhà nước bao gồm: cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; ban quản lý dự án có tư cách pháp nhân do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thành lập; cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; các tổ chức được nhà nước cấp vốn để tổ chức hoạt động theo mục tiêu chính trị- xã hội cụ thể...

Thông tư số 99/2018/TT-BTC quy định về điều chỉnh số liệu trên báo cáo tài chính tổng hợp. Trường hợp trong quá trình tổng hợp báo cáo đơn vị kế toán cấp trên phát hiện có sai sót cần phải điều chỉnh đối với số liệu báo cáo của đơn vị kế toán trực thuộc (trước khi báo cáo tài chính tổng hợp năm được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì yêu cầu đơn vị kế toán trực thuộc điều chỉnh số liệu, lập và gửi lại báo cáo tài chính của năm báo cáo. Trường hợp phát hiện có sai sót sau khi báo cáo tài chính tổng hợp năm đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa vào số liệu báo cáo của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh rõ về việc sửa chữa này, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu điều chỉnh số liệu và cho phép lập lại báo cáo tài chính tổng hợp.

Đơn vị dự toán cấp 1 thực hiện công khai báo cáo tài chính tổng hợp theo quy định của pháp luật.  Trường hợp Báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị dự toán cấp 1 đã được kiểm toán thì khi công khai phải kèm theo báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán.

Thông tư số 99/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 và áp dụng cho việc lập báo cáo tài chính tổng hợp từ năm tài chính 2018.

Quy định mới trong nghiệp vụ kế toán, thuế theo Thông tư 112/2018/TT-BTC

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 112/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 174/2015/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo đó, chứng từ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Luật Kế toán, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán và quy định Thông tư số 112/2018/TT-BTC.

Chứng từ kế toán phải lập theo nội dung quy định trên mẫu cho từng loại nghiệp vụ, phải bảo đảm đủ nội dung và bảo đảm tính pháp lý đối với từng loại chứng từ theo quy định của Luật Kế toán và Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán (sau đây gọi tắt là Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ). Chứng từ kế toán phải được lập đủ số liên quy định. Trường hợp phải lập nhiều liên chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính thì nội dung các liên phải giống nhau. Chứng từ kế toán được lập dưới dạng chứng từ điện tử phải tuân theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 của Luật Kế toán và Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ.

Dùng tài khoản 336 để phản ảnh phải hoàn thuế chuyên thu và thu khác đã thu. Trong đó, Tài khoản 336- Phải hoàn thuế chuyên thu và thu khác đã thu có 12 tài khoản cấp 2, như sau:

– Tài khoản 33601- Thuế xuất khẩu

– Tài khoản 33602- Thuế nhập khẩu

– Tài khoản 33603- Thuế GTGT

– Tài khoản 33604- Thuế TTĐB

– Tài khoản 33605- Thuế chống bán phá giá

– Tài khoản 33606- Thuế BVMT

– Tài khoản 33607- Thuế tự vệ

– Tài khoản 33608- Thuế chống phân biệt đối xử

– Tài khoản 33609- Thuế chống trợ cấp

– Tài khoản 33610- Tiền phạt, chậm nộp

– Tài khoản 33611- Phí, lệ phí

– Tài khoản 33699- Khác.

Thông tư số 112/2018/TT-BTC có hiệu lực từ 01/01/2019.

Miễn thuế, lệ phí xuất,nhập khẩu cho hàng hóa cho hàng hóa cứu trợ thiên tai

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 160/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai.

Theo đó, từ 1/1/2019, miễn thuế, lệ phí nhập khẩu, xuất khẩu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam nhập khẩu, tái xuất khẩu phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa để phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai.

Trường hợp lượng hàng hóa để lại Việt Nam được sử dụng vào mục đích khác phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với người được phép đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai: được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh ưu tiên tại các cửa khẩu; trường hợp ứng phó khẩn cấp, nếu chưa có thị thực thì được cấp thị thực tại cửa khẩu.

Đối với phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa được phép nhập khẩu, tái xuất sau khi hoàn thành hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai thì được ưu tiên làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu.

Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Nghị định số 86/2018/NĐ-CP nêu rõ những quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục bao gồm: Liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức quốc tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, không áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Một nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP  là quy định về vốn đầu tư cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.

Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.

Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.

Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh tài chính theo Luật Đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

Dự án đầu tư thành lập phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.

 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác