Chính sách mới về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 2/2019
Đăng ngày 02-02-2019 14:31, Lượt xem: 183

Lộ trình chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip; Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng; Danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia; Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lĩnh vực vàng; Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2019; Nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền....là những chính sách nổi bật về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 2/2019.

Lộ trình chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Theo đó, lộ trình chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip được quy định như sau:

- Đến 31/12/2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;

- Đến 31/12/2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;

Trong thời gian chuyển đổi, tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định, an toàn và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ.

Thông tư số 41/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 18/2/2019.

Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Thông tư  số 132/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ có một số điểm đặc biệt sau:

- Về tổ chức bộ máy: Doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng.

- Về Sổ kế toán: Doanh nghiệp siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán phù hợp. Nếu không tự xây dựng được thì sử dụng biểu mẫu và phương thức ghi chép tại Thông tư này;

- Về phương pháp kế toán: Doanh nghiệp siêu nhỏ không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập;

- Về báo cáo tài chính: Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế.

Thông tư số 132/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/02/2019, áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/4/2019.

Danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
Theo đó, 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 bao gồm:

- Gạo; Cà phê; Cao su; Điều; Hồ tiêu;

- Chè; Rau, quả; Sắn và sản phẩm từ sắn;

- Thịt lợn; Thịt và trứng gia cầm;

- Cá tra; Tôm; Gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 8/2/2019.

Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lĩnh vực vàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 47/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 quy định danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của ngân hàng nhà nước việt nam trong lĩnh vực vàng. 

Theo đó, Thông tư số 47/2018/TT-NHNN quy định, Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kèm theo mã HS thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực vàng là vàng nguyên liệu được mô tả cụ thể như sau:

– Hàng hóa nhập: Vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác, ngoại trừ vàng dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm;

– Hàng hóa xuất khẩu: Vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác, ngoại trừ vàng dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm;

– Hàng hóa vàng nguyên liệu thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước được áp mã HS như sau: 7108.12.10; 7108.12.90.

Có thể thấy, Thông tư số 47/2018/TT-NHNN đã có những quy định chi tiết về danh mục hàng hóa trong lĩnh vực vàng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua đó có sự phân chia rõ ràng về chức năng quản lý cũng như các chủng loại hàng hóa trong lĩnh vực mang tính đặc thù này.

Thông tư số 47/2018/TT-NHNN  có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2019.

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2019

Ngày 26/12/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 55 quy định về việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019.

Theo đó, lượng thuốc lá nguyên liệu (có mã HS là 2401) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 là 56.284 tấn, tăng 2.68 tấn so với năm 2018.

Thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu, có nhu cầu sử dụng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất thuốc lá điếu được xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan.

Bộ Công Thương có trách nhiệm xác định thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu cho các thương nhân có nhu cầu.

Ngoài ra, căn cứ lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2019 và đăng ký của thương nhân để Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/2/2019 đến hết ngày 31/12/2019.

Hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm

Ngày 28/12/2018, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 22/2018/TT-BTTTT quy định cụ thể Danh mục hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019. Theo đó, hàng hóa khi nhập khẩu theo danh mục dưới đây phải có giấy phép của Bộ TT&TT (chỉ áp dụng đối với hàng hóa có mã số HS 08 số):

Trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa trong Danh mục thực hiện theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ.

Hàng hóa trong lĩnh vực in có mã số HS thuộc các nhóm: 84.40, 84.41, 84.42 và hàng hóa của nhóm 84.43 quy định tại Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính nhưng không được liệt kê trong Danh mục trên khi nhập khẩu không phải có giấy phép nhập khẩu của Bộ TT&TT.

Thông tư cũng quy định hàng hóa trong Danh mục trên khi xuất khẩu không phải có giấy phép giấy phép xuất khẩu của Bộ TT&TT. Đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, Thông tư cũng quy định cụ thể danh mục hàng hóa theo mã số HS và hình thức quản lý. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết tại Thông tư số 22/2018/TT-BTTTT trên Cổng Thông tin điện tử hải quan.

Nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền

Ngày 25/12/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 38/2018/TT-NHNN quy định về việc nhập khẩu hàng hoá phục vụ hoạt động in, đúc tiền. Theo đó, danh mục hàng hóa chỉ định cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước bao gồm: Phôi kim loại sử dụng để đúc, dập tiền kim loại; Giấy in tiền; Mực in tiền; Máy in tiền; Máy ép foil chống giả; Foil chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ, giấy tờ có giá khác thuộc ngành Ngân hàng phát hành và quản lý; Máy đúc, dập tiền kim loại.

Khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ sở in, đúc tiền gửi Cơ quan hải quan 1 bản chính văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước kèm hồ sơ nhập khẩu theo quy định của cơ quan hải quan. 

Thông tư số 38/2018/TT-NHNN  có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/2/2019.
 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác