Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 01/2020
Đăng ngày 04-02-2020 02:43, Lượt xem: 256

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển; Tăng lương tối thiểu vùng từ 5,1% - 5,7%; Từ 01/01/2020, cấm công ty tài chính gọi điện đòi nợ người thân khách hàng;  Kế toán không còn phải gửi báo cáo duy trì điều kiện hành nghề; Cho phép người chấp hành án được thay đổi nơi cư trú… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 01/2020.

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 177/2019/TT-BQP quy định tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và mẫu Giấy chứng nhận Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam.

Theo đó, cá nhân có thể được bổ nhiệm Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Là sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam đang tại ngũ, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp luật; phẩm chất đạo đức tốt, liên khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng; có khả năng độc lập giải quyết vụ việc, giữ vững nguyên tắc, quy chế ngành Nghiệp vụ pháp luật Cảnh sát biển;

- Có sức khỏe đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định tại Thông tư 177/2019/TT-BQP.

- Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát, Học viên Khoa học quân sự hoặc cử nhân luật;

Trong trường hợp, do nhu cầu công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển, người có trình độ đại học các ngành khác có đủ các tiêu chuẩn kể trên, có thể được bổ nhiệm làm Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam.

Thông tư số 177/2019/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/01/2020.

Tăng lương tối thiểu vùng từ 5,1% - 5,7%

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp được điều chỉnh như sau:

- Vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng (hiện hành là 4.180.000 đồng/tháng).

- Vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng (hiện hành là 3.710.000 đồng/tháng).

- Vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng (hiện hành là 3.250.000 đồng/tháng).

- Vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng (hiện hành là 2.920.000 đồng/tháng).

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2020 còn có sự thay đổi về vùng trong việc áp dụng lương tối thiểu vùng, cụ thể:

- Chuyển từ vùng III lên vùng II: huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước); TP. Bến Tre, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre);

- Chuyển từ vùng IV lên vùng III: huyện Đông Sơn, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa), huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre).

So với năm 2019, số địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng vùng I giữ nguyên; vùng II tăng 03 địa bàn; vùng III tăng 08 địa bàn; vùng IV giảm 08 địa bàn.

Nghị định số 90/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Từ 01/01/2020, cấm công ty tài chính gọi điện đòi nợ người thân khách hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư  số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư số 18/2019/TT-NHNN siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc thúc giục đòi nợ khách hàng. Cụ thể, ngoài việc yêu cầu các công ty này không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng; thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ, Thông tư này còn bổ sung một số yêu cầu mới, gồm:

- Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ như người thân của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Chỉ được nhắc nợ đối với khách hàng tối đa 05 lần/ngày;

- Trong hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ;

- Phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng, công ty tài chính phải giải thích trung thực các nội dung cơ bản của hợp đồng, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ (trước đây, chỉ cần giải thích khi khách hàng yêu cầu).

Kế toán không còn phải gửi báo cáo duy trì điều kiện hành nghề

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 44/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi hướng dẫn cấp, thu hồi và quản lý giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/01/2020, không còn quy định kế toán phải gửi báo cáo duy trì điều kiện hành nghề. Cụ thể, bãi bỏ quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 296 /2016/TT-BTC:  “Chậm nhất là ngày 31/8 hàng năm, kế toán viên hành nghề phải gửi Báo cáo duy trì điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán hàng năm cho Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 08/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư 296 /2016/TT-BTC”.

Cho phép người chấp hành án được thay đổi nơi cư trú

Có hiệu lực thi hành từ ngày 22/01/2020, Thông tư số 181/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ do quân đội quản lý, thi hành thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc.

Thông tư số 181/2019/TT-BQP nêu rõ điều kiện thay đổi nơi cư trú, gồm: Bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về cư trú; được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

Lý do chính đáng phải thay đổi nơi cư trú, gồm: Đang sinh sống cùng gia đình mà gia đình chuyển đến nơi khác; chuyển đến ở với vợ hoặc chồng sau khi kết hôn; chuyển đến sinh sống cùng ông, bà, cha, mẹ, con để thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trong trường hợp ông, bà, cha, mẹ, con bị bệnh hiểm nghèo, con chưa thành niên không có khả năng lao động hoặc tự nuôi dưỡng…

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác