Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2020
Đăng ngày 17-02-2020 23:13, Lượt xem: 218

Sửa quy định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định mới về bằng đại học, bằng bác sĩ, kỹ sư; Lập hồ sơ giả mạo để chi ngân sách bị phạt tới 40 triệu đồng; Sửa quy định về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự; 8 nội dung phải công khai trong thi hành tạm giam của lực lượng Công an nhân dân … là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2020.

Sửa quy định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 3/1/2020 về sửa đổi Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, từ 20/2/2020, bổ sung trong khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nội dung về dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bên cạnh các nội dung khác như: diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi; số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất; dự kiến mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đối tượng thu hồi đất; dự kiến giá đất bồi thường đối với từng loại đất, từng loại vị trí…

Căn cứ vào khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, UBND cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thực hiện tại địa phương sau khi đã có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ, ngành có dự án đầu tư; tổ chức thực hiện và quyết toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với Bộ, ngành có dự án đầu tư. Với trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì các nội dung trên phải gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó

Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20/2/2020 thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối với dự án đầu tư chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20/2/2020 thì tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ , tái định cư theo quy định của Nghị định số 06/2020/NĐ-CP.

Quy định mới về bằng đại học, bằng bác sĩ, kỹ sư

Có hiệu lực từ ngày 15/2/2020, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định về hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm: 

- Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6;

- Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7;

- Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8.

Cũng theo Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, văn bằng có trình độ tương đương gồm: bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ. Nếu người học đáp ứng các điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác, thì bằng bác sĩ, kỹ sư… có thể tương đương với bằng thạc sĩ. Khi đó, bác sĩ, kỹ sư sẽ không còn phải học lên thạc sĩ nữa. 

Nghị định số 99/2019/NĐ-CP cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học về các nội dung như: Các quy chế, quy định nội bộ; Danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục này còn phải công khai kết quả kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại họcđ chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, kế hoạch tổ chức đào tạo; đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo cùng với hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định.

Lập hồ sơ giả mạo để chi ngân sách bị phạt tới 40 triệu đồng

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 87/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước 

Theo đó, đối với hành vi vi phạm quy định khoản chi ngân sách nhà nước phải có trong dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, mức xử phạt từ 1,5 triệu đến 4,5 triệu đồng.

Hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức xử phạt từ 1,5 triệu đến 4,5 triệu đồng. Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức xử phạt từ 12,5 triệu đến 40 triệu đồng.

Hành vi vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước, mức xử phạt từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, mức xử phạt là 1,5 triệu đồng.

Hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức xử phạt 12,5 triệu đồng.
Thông tư số 87/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2020.

Sửa quy định về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Có hiệu lực từ ngày 15/2/2020, Nghị định số 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Theo đó, thay vì quy định thành lập hội đồng định giá theo vụ việc ở cấp huyện, cấp tỉnh và trung ương như Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, Nghị định số 97/2019/NĐ-CP sửa đổi thành hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở bộ, cơ quan ngang bộ (cấp bộ) và hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Hội đồng định giá theo vụ việc cấp bộ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá trong các trường hợp sau:

- Thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định này.

- Thực hiện định giá lần đầu đối với tài sản thuộc các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp liên quan đến nhiều cấp và được dư luận xã hội quan tâm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

- Đối với vụ án có nhiều loại tài sản khác nhau, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm căn cứ vào đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của tài sản, yêu cầu của vụ án để phân loại tài sản và thực hiện yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá phù hợp với chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao theo các trường hợp sau:

Trường hợp phân loại được tài sản để tách riêng thực hiện định giá đối với từng nhóm tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá đối với từng nhóm tài sản.

Trường hợp không thể phân loại được tài sản, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành lĩnh vực đối với một loại tài sản trong số các tài sản của vụ án chủ trì thành lập Hội đồng định giá.

8 nội dung phải công khai trong thi hành tạm giam của lực lượng Công an nhân dân 

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 81/2019/TT-BCA về thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân (CAND) 

Theo đó, những nội dung phải công khai trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân, gồm: 

- Quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; 

- Nội quy cơ sở giam giữ; danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam; 

- Tình hình chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật; 

- Chế độ, tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; 

- Chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; 

- Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; 

- Quy định về việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; 

- Các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự;...

Thông tư số 81/2019/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2020 và thay thế Quy chế thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam và hoạt động điều tra của CAND ban hành kèm theo Quyết định số 729/1998/QĐ-BCA(V19) ngày 09/11/1998 của Bộ trưởng bộ Công an

KHÁNH VÂN
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác