Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2021
Đăng ngày 22-02-2021 07:24, Lượt xem: 235

Dừng phát hành thẻ từ ATM, thay bằng thẻ chip; Xây nhà ở có thời hạn được cấp quyền sở hữu nhà ở; Tiêu chí xác định dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; Quy định mới về hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; Tăng thù lao dịch vụ đấu giá tài sản… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2021.

Dừng phát hành thẻ từ ATM, thay bằng thẻ chip

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Theo đó, từ 31/3/2021, các Tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN (Bank Identification Number - số nhận dạng ngân hàng) do Ngân hàng Nhà nước cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Ngoài ra, lùi thời hạn yêu cầu 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa đến ngày 31/12/2021 thay vì ngày 31/12/2020.

Như vậy, từ 31/3/2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM, thay vào đó sẽ phát hành thẻ chip.

Thẻ chip là loại thẻ được gắn một con chip kích thước nhỏ ở mặt trước thẻ theo tiêu chuẩn do các tổ chức thẻ quốc tế ban hành. Thẻ chip có khả năng lưu trữ và mã hóa thông tin với độ bảo mật cao. Khi thực hiện thanh toán, thẻ chip sẽ tạo ra một mã giao dịch độc nhất và không bao giờ lặp lại, giúp giảm nguy cơ gian lận, giả mạo… Do đó, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa sẽ góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật và tăng tốc độ thực hiện giao dịch.

Thông tư số 22/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 16/02/2021.

Xây nhà ở có thời hạn được cấp quyền sở hữu nhà ở

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Theo Khoản 14, Điều 1, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân trong nước được cấp giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Như vậy, so với quy định cũ tại Khoản 1, Điều 31, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP đã công nhận cả giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn (xây dựng tạm).

Ngoài ra, khoản 4 Điều 35 của Nghị định số 148/2020/NĐ-CP cũng được bổ sung thêm nội dung tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu trong các trường hợp sau: “Nhà ở, công trình được xây dựng sau thời điểm công bố cấm xây dựng (…) trừ trường hợp chủ sở hữu nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 của nghị định này có GPXD có thời hạn theo quy định của pháp luật về xây dựng”.

Một điểm mới đáng lưu ý của Nghị định số 148/2020/NĐ-CP là linh động hơn trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho các tổ chức, cá nhân. Người dân có thể lựa chọn địa điểm  nộp hồ sơ tại VPĐKĐĐ, một trong các chi nhánh VPĐKĐĐ trên địa bàn thành phố hoặc địa điểm theo nhu cầu của mình.

Trong trường hợp này, thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người dân có nhu cầu và VPĐKĐĐ, chi nhánh VPĐKĐĐ nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do thành phố quy định.

Đối với nơi chưa thành lập VPĐKĐĐ thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất thì cơ quan này sẽ nhận hồ sơ và trả kết quả. Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận thì trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ đến VPĐKĐĐ, chi nhánh VPĐKĐĐ.

Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/02/2021.

Tiêu chí xác định dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo đó, từ ngày 15/02/2021, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn là dân tộc thuộc đối tượng áp dụng theo quy định và đáp ứng 1 trong các tiêu chí sau: 

- Có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn từ 1,5 lần trở lên so với bình quân chung tỷ lệ hộ nghèo của 53 dân tộc thiểu số; 

- Có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông của 53 dân tộc thiểu số; 

- Có tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của 53 dân tộc thiểu số.

Quy trình, thủ tục và thời gian xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025 như sau:

- Đối với cấp xã: Tổ chức rà soát, tổng hợp và lập báo cáo theo quy định, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện.

- Đối với cấp huyện: Sau khi nhận đủ hồ sơ của các xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo rà soát, kiểm tra, tổng hợp và lập báo cáo theo quy định, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện.

- Đối với cấp tỉnh: Sau khi nhận đủ hồ sơ của các huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi Ủy ban Dân tộc trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện của Ủy ban Dân tộc.

- Đối với cấp Trung ương: Ủy ban Dân tộc tổng hợp, thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Quy định mới về hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 54/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 18/2019/TT-BCT quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường và Thông tư số 20/2019/TT-BCT quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

Theo đó, Thông tư số 54/2020/TT-BCT bãi bỏ quy định về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khi xem xét xử lý kỷ luật đối với công chức và công chức lãnh đạo; các biện pháp xử lý khác đối với công chức bị kỷ luật; và quy định về xử lý kỷ luật về chế độ trách nhiệm của công chức lãnh đạo tại Điều 10, 11, 13, 14 tại Thông tư số 18/2019/TT-BCT quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

Đồng thời, Thông tư số 54/2020/TT-BCT nêu rõ giảm thời gian trực tiếp thực hiện một cuộc kiểm tra nội bộ định kỳ tại nơi được kiểm tra về kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường như sau: kiểm tra nội bộ của Tổng cục giảm từ tối đa là 15 ngày làm việc xuống còn 07 ngày làm việc; kiểm tra nội bộ của Cục giảm từ tối đa là 10 ngày làm việc xuống còn 05 ngày làm việc.

Ngoài ra, Thông tư số 54/2020/TT-BCT cũng quy định rõ những việc công chức không được làm trong hoạt động công vụ gồm:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính;

- Thu tiền xử phạt không đúng quy định nhằm mục đích vụ lợi; tham ô, chiếm đoạt, làm thất thoát hoặc sử dụng trái quy định của pháp luật tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu;

- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; dung túng, bao che, hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính…

- Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hoặc áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

- Phát ngôn hoặc cung cấp cho báo chí những thông tin không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính khi chưa có kết luận chính thức bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật…

Thông tư số 54/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.

Tăng thù lao dịch vụ đấu giá tài sản

Có hiệu lực thi hành từ ngày 04/02/2021, Thông tư số 108/2020/TT-BTC của Bộ  Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản. 

Theo đó, khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản sẽ được điều chỉnh tăng so với hiện nay.

Cụ thể, khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản cho một hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá thành được quy định như sau:

-  Mức thù lao tối thiểu: 1.000.000 đồng/01 hợp đồng;

- Mức thù lao tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm được quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 108/2020/TT-BTC nhưng không vượt quá 400.000.000 đồng/01 hợp đồng.

Như vậy, mức thù lao tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm được điều chỉnh tăng từ 300.000.000 đồng/01 Hợp đồng lên 400.000.000 đồng/01 hợp đồng.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác