Kế hoạch triển khai xây dựng Cảng Đà Nẵng 
Đăng ngày 13-04-2017 10:55, Lượt xem: 420

Kiến nghị: (Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản – Chi hội Đà Nẵng) Đề nghị thành phố có thông tin về kế hoạch triển khai xây dựng Cảng Đà Nẵng, đồng thời có các chính sách cụ thể về việc phân luồng hàng hóa đối với Cảng Đà Nẵng hiện nay sau khi Cảng Liên Chiểu hoàn thành. Cũng cần phải cân nhắc đến các lợi thế cạnh tranh của Cảng Liên Chiểu so với Cảng Chân Mây ở Thừa Thiên Huế và Cảng Dung Quất ở Quảng Ngãi. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn được cung cấp thông tin về kế hoạch triển khai xây dựng tuyến hành lang kinh tế đông tây số 2 nối liền các khu kinh tế của Đông Dương và Đà Nẵng với Bangkok, Thái Lan...

Sở Giao thông vận tải trả lời:

1. Về Dự án Cảng Liên Chiểu:

- Thông tin chung và tình hình thực hiện:

+ Định hướng quy hoạch phát triển cảng Liên Chiểu theo các Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 08/10/2010, số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5030/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của Chủ tịch UBND thành phố như sau: Trong giai đoạn trước mắt Cảng Liên Chiểu vẫn là khu bến chuyên dùng cho các mặt hàng xi măng và xăng dầu cho tàu đến 30.000DWT. Về lâu dài (sau năm 2020) sẽ từng bước phát triển để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, cho phép tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 100.000DWT và tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.

+ Theo công văn số 1957/UBND-QLĐTư ngày 19/3/2015, UBND thành phố đã “Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thực hiện tuyển chọn nhà thầu tư vấn tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Xây dựng Cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP”; Và ngày 27/11/2015 tại công văn số 9361/UBND-QLĐTư UBND thành phố đã thống nhất Danh mục dự án kêu gọi đầu tư.

+ Tại buổi làm việc ngày 18/3/2016 giữa Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn với ông Nguyễn Văn Công-Thứ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải về rà soát, cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết nhóm Cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) đến năm 2020, định hướng 2030; trong đó Thứ Trưởng Nguyễn Văn Công đồng ý sẽ kiến nghị bổ sung cảng Liên Chiểu vào khu tiềm năng nghiên cứu, hoàn thành chuẩn bị đầu tư trước năm 2020 và sẽ tính toán đầu tư sau năm 2020.

+ Hiện nay, đơn vị tư vấn (Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy) đang chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo cuối cùng; dự kiến đến tháng 9/2016 sẽ hoàn thành và trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định.

- Sự cần thiết triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu ở thời điểm hiện nay:

+ Cảng Liên Chiểu có vị trí thuận lợi về độ sâu, thuận tiện về kết nối giao thông: đường sắt (ga đường sắt mới, tuyến đường sắt cao tốc trong tương lai), đường bộ (Quốc Lộ 1A; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường Hồ Chí Minh,  đoạn La Sơn - Túy Loan; hành lang kinh tế Đông Tây 2) và kết nối với các khu công nghiệp của thành phố (khu công nghệ cao, khu công nghiệp Liên Chiểu).

+ Thành phố cần thiết phải đầu tư bến cảng Liên Chiểu theo đúng quy hoạch để tránh nguy cơ quá tải ở cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng phục vụ du lịch.

+ Cảng Liên Chiểu hình thành sẽ khắc phục được các hạn chế về giao thông cắt ngang thành phố, đảm bảo an toàn giao thông đô thị, môi trường du lịch ở khu vực phía Đông thành phố.

Với sự cần thiết nêu trên, đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

2. Về dự án hành lang kinh tế Đông Tây 2: Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 là tuyến nối từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đi qua Quốc lộ 14B, QL14D đến cửa khẩu Đắc-Tà-Oọc (Quảng Nam) sang vùng cao nguyên Boloven (Lào) rồi nối tiếp Chongmek - Nakhon - Bangkok (Thái Lan).

- Phía Việt Nam:

+ Tuyến Quốc lộ 14B (từ cảng Tiên Sa đến Túy Loan) dài 24km đã được đầu tư với đường tiêu chuẩn cấp II, 4 làn xe. Đoạn từ Túy Loan đến Thạch Mỹ (Quảng Nam) dài khoảng 50km; Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư tuyến Quốc lộ 14 (Túy Loan-cầu Hà Nha, 26km) theo hình thức BOT. Hiện nay, nhà đầu tư (Công ty TNHH Trùng Phương) đang phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các bước tiếp theo thực hiện dự án.

+ Tuyến Quốc lộ 14D (từ bến Giằng đến cửa khẩu Đắc Ốc) dài 75km, đường cấp V miền núi (đã được Bộ GTVT đầu tư năm 1998-2006) sẽ được nâng cấp lên đường cấp III đến cấp IV, quy mô 02 làn xe, kinh phí khoảng 100 triệu USD. Hiện nay, chính phủ Việt Nam và Ngân hàng ADB thống nhất đưa vào danh mục tài trợ và bố trí vốn (0,8 triệu USD) để chuẩn bị dự án trong năm 2016. Theo báo cáo của Ban QLDA 1-Bộ GTVT, đơn vị Tư vấn đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án, dự kiến hoàn thành trong năm 2016; bắt đầu thực hiện từ năm 2017.

- Phía Lào: Tỉnh Sekong đang triển khai thực hiện các dự án gồm xây dựng cầu qua sông Sekong, xây dựng, nâng cấp tuyến quốc lộ 16B từ trung tâm tỉnh Sekong tới Cửa khẩu Daktaock, dự kiến hoàn thành vào năm 2018.

- Phía Thái Lan: đoạn từ cửa khẩu Chongmek Lào – Thái Lan đến Bangkok khoảng 690Km hầu hết là đường cao tốc đã được đầu tư.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác