Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2018
Đăng ngày 10-07-2018 02:46, Lượt xem: 211

Tăng lương cơ sở từ 01/7/2018; Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; Miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách khi đi tàu; Chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp qua hoạt động khuyến nông... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2018.

Tăng lương cơ sở từ 01/7/2018

Nội dung trên được quy định tại  Nghị định số 72/2018/NĐ-CP  của Chính phủ  quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng, thay cho mức cũ là 1.300.000 đồng/tháng.

Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 72/2018/NĐ-CP; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Nghị định số 72/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 và  thay thế Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 85/2018/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo đó, tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của cán bộ lãnh đạo trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

Theo đó, Sỹ quan có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa là 1, 1 tỷ đồng/xe.

Sỹ quan có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa là 920 triệu đồng/xe.

Sỹ quan có cấp bậc quân hàm là Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, đi công tác với giá mua tối đa là 820 triệu đồng/xe.

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chức danh tại doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

Trường hợp một người giữ nhiều chức danh lãnh đạo có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô hoặc vừa có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô theo chức danh lãnh đạo vừa có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô theo cấp bậc quân hàm nêu trên thì được áp dụng tiêu chuẩn cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc thôi giữ chức vụ mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế theo quy định thì người thay thế tiếp tục sử dụng, không trang bị mới cho đến khi đủ điều kiện thay thế xe ô tô theo quy định.

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung

Nghị định số 85/2018/NĐ-CP cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe tô tô phục vụ công tác chung. Cụ thể, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên hoặc cán bộ có hệ số lương từ 7,3 trở lên tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân mà không thuộc đối tượng sử dụng xe ô tô theo chức danh được sử dụng xe tô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác.

Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung cho cán bộ nêu trên thực hiện theo quy định định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Bộ Quốc phòng; định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Bộ Công an. Số lượng xe ô tô trang bị cho từng cơ quan, đơn vị do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cho phù hợp nhưng không vượt quá số lượng xe ô tô quy định tại Nghị định này.

Trường hợp do yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, đặc biệt, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác chung cho các chức danh không thuộc phạm vi quy định khi đi công tác.

Nghị định số 85/2018/NĐ-CP  có hiệu lực thi hành từ 15/7/2018.

Miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách khi đi tàu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội khi đi tàu.

Cụ thể, đối tượng được giảm giá vé gồm: Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng; người cao tuổi; các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Giảm giá vé áp dụng cho các đối tượng sau: Mức giảm 90% giá vé áp dụng cho người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; mức giảm 30% giá vé áp dụng cho các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc hóa học; giảm giá vé cho đối tượng là người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng; người cao tuổi thực hiện theo quy định của pháp luật về người khuyết tật và người cao tuổi.

Việc miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội nêu trên khi đi tàu khách liên vận quốc tế được thực hiện theo các quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Mức miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đối tượng chính sách xã hội đi tàu được hưởng từ 2 chế độ giảm giá vé trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ giảm giá vé cao nhất. Người được miễn, giảm giá vé tàu phải xuất trình giấy chứng nhận thuộc đối tượng quy định cùng giấy tờ tùy thân khi mua vé và khi đi tàu.

Nghị định số 65/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.

Chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp qua hoạt động khuyến nông

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông. Theo đó, quy địnhrõ chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua hoạt động khuyến nông như: Chính sách bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo; chính sách thông tin tuyên truyền; chính sách xây dựng và nhân rộng mô hình; chính sách khuyến khích hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông…

Cụ thể, đối tượng nhận chuyển giao công nghệ được hỗ trợ tối đa 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông theo quy định hiện hành.

Đối tượng chuyển giao công nghệ được hỗ trợ tối đa 100% chi phí tài liệu, đi lại, tiền ăn, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông theo quy định hiện hành; người tham gia giảng dạy, trợ giảng, hướng dẫn tham quan, tổ chức lớp học được hưởng 100% các chế độ theo quy định hiện hành. Nghị định nêu rõ, ưu tiên đào tạo cán bộ khuyến nông là nữ, người dân tộc thiểu số.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí xây dựng nội dung tuyên truyền khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản tạp chí, tài liệu, ấn phẩm khuyến nông, tổ chức sự kiện khuyến nông (hội nghị, hội thảo, hội thi, hội chợ, triển lãm, diễn đàn, tọa đàm), xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thông tin khuyến nông và các hình thức thông tin tuyên truyền khuyến nông khác.

Đối tượng chuyển giao, đối tượng nhận chuyển giao công nghệ khi tham dự các sự kiện khuyến nông được hỗ trợ chi phí tài liệu, đi lại, tiền ăn, nơi ở theo quy định hiện hành.

Mô hình trình diễn ở địa bàn trung du, miền núi, bãi ngang được hỗ trợ tối đa 70% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Mô hình trình diễn ở địa bàn đồng bằng được hỗ trợ tối đa 50% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Mô hình ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình (đối với tất cả các địa bàn). Mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện mô hình nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình (đối với tất cả các địa bàn).

Nghị định số 83/2018/NĐ-CP nêu rõ, hỗ trợ tối đa 100% chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh khi tham gia xây dựng mô hình theo quy định hiện hành (đối với tất cả các loại mô hình).

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tổ chức đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập để nhân rộng mô hình.

Nghị định số 83/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2018.

 KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác