Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2018
Đăng ngày 10-07-2018 02:46, Lượt xem: 398

Từ 15/7, doanh nghiệp được khuyến mại đến 100% giá hàng hóa; Danh mục sản phẩm gây mất an toàn; Hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ; Định giá tài sản, giám định thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Không cho phép dân cư sinh sống trong khu công nghiệp... là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2018.

Từ 15/7, doanh nghiệp được khuyến mại đến 100% giá hàng hóa

Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo đó, Chính phủ cho phép doanh nghiệp được khuyến mại, giảm giá 100% thay vì mức trần 50% như trước đây. Hạn mức khuyến mại, giảm giá 100% cũng được áp dụng với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định.

Cũng theo Nghị định số 81/2018/NĐ-CP, không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước. Ngoài ra, cũng không áp dụng cho hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Tổng thời gian thực hiện chương trình giảm giá với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ tối đa là 120 ngày/năm (tăng 30 ngày so với quy định cũ).

Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi. Trừ trường hợp tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung thì được áp dụng mức giảm giá tối đa 100%.

Doanh nghiệp không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không được khuyến mãi theo mô hình đa cấp.

Danh mục sản phẩm gây mất an toàn

Bộ Thông tin Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BTTTT quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

Theo đó, danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TTTT, gồm: 

- Thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất công cộng, thiết bị vô tuyến điện

- Thiết bị ra đa, thiết bị vô tuyến cự ly ngắn

- Máy tính cá nhân để bàn, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính chủ

- Thiết bị điện thoại không dây, pin Lithium cho máy tính xách tay, điện thoại di động, máy tính bảng…

Thông tư số 04/2018/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Các sản phẩm, hàng hóa đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy trước ngày 1/7/2018 được tiếp dụng áp dụng quy định cũ cho đến hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận hợp quy.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ

Có hiệu lực từ 01/7/2018, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ.

Cụ thể, để được hỗ trợ doanh nghiệp phải đáp ứng 3 điều kiện: 

- Có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của luật đầu tư; 

- Có hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ); 

- Công nghệ được chuyển giao thuộc dự án quy định tại (1) nêu trên.

Hình thức hỗ trợ là cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ; hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp.

Nội dung hỗ trợ đối với hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp để phục vụ hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, sử dụng tối đa hiệu suất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ bao gồm: Được ưu tiên đưa vào danh mục nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp và được hỗ trợ theo quy định của chương trình, quỹ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ; được hỗ trợ thuê chuyên gia tư vấn phục vụ đánh giá hiệu chỉnh thiết bị, quy trình công nghệ, dây chuyền sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ cho doanh nghiệp đối với hỗ trợ trực tiếp.

Về mức hỗ trợ, ngoài hưởng các ưu đãi đối với ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp được hưởng mức hỗ trợ áp dụng theo quy định hiện hành đối với nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí từ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Cụ thể, được hỗ trợ tối đa 2%/năm lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với khoản vay thực hiện chuyển giao công nghệ trong dự án.

Ngoài ra, được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của các quỹ, tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi đối với khoản vay thực hiện chuyển giao công nghệ trong dự án.

Định giá tài sản, giám định thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể việc định giá tài sản, giám định thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Nghị định hướng dẫn, việc định giá tài sản được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Không xác định được giá thị trường theo quy định tại các khoản 1 và 4 Điều 3 Nghị định 68/2018/NĐ-CP;

- Không có tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng với tài sản bị thiệt hại trên thị trường tại thời điểm tiến hành xác minh thiệt hại;

- Có sự thay đổi về hiện trạng của tài sản bị thiệt hại tại thời điểm xác minh thiệt hại so với ngày phát sinh thiệt hại thực tế dẫn đến làm thay đổi tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng của tài sản.

Việc giám định thiệt hại được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Có sự không thống nhất giữa người yêu cầu bồi thường và cơ quan giải quyết bồi thường về mức độ hư hỏng của tài sản hoặc tính chất, tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản hoặc phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

- Chưa có kết quả giám định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về mức độ sức khỏe bị tổn hại để làm căn cứ xác định thiệt hại về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Trên cơ sở kinh phí đã cấp cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tài chính có thẩm quyền có trách nhiệm cấp kinh phí cho cơ quan giải quyết bồi thường. Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường hoàn thành việc cấp kinh phí định giá tài sản, giám định thiệt hại.

Không cho phép dân cư sinh sống trong khu công nghiệp

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/05/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nêu rõ việc không cho phép dân cư sinh sống trong các khu công nghiệp hay chế xuất, những người được ra vào các khu vực này, ra vào doanh nghiệp chế xuất chỉ bao gồm các nhà đầu tư, người làm việc trong khu vực đó hay trong doanh nghiệp chế xuất và những người có quan hệ công tác với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực đó hay với doanh nghiệp chế xuất.

Nghị định cũng quy định: trong trường hợp cần thiết, người nước ngoài (gồm nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia) được phép tạm trú tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Kèm theo đó, việc tạm trú của người nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện cụ thể: để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; việc tạm trú không kèm theo cả gia đình và người thân; thủ tục đăng ký và khai báo tạm trú phải được tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nơi ở của nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia nước ngoài phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng; đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn của pháp luật về xây dựng đối với nhà ở; doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện đăng ký tạm trú cho người nước ngoài; cam kết đảm bảo an ninh, trật tự và không ảnh hưởng đến hoạt động của khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và có hiệu lực từ ngày 10/7/2018.

Hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 77/2018/NĐ-CP quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Theo Nghị định, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước được miễn tiền thuê đất khi nhà nước cho thuê đất xây dựng công trình. Tổ chức thủy lợi cơ sở đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước được hỗ trợ tối đa 100% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công.

Đối với trường hợp xây dựng công trình tích trữ nước được hỗ trợ tối đa 100% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công, công trình tích trữ nước phải đảm bảo cấp nước, tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho tối thiểu 3 thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở; được tất cả các thành viên hưởng lợi đồng thuận đóng góp phần kinh phí còn lại; tổ chức thủy lợi cơ sở tự quản lý, khai thác công trình sau đầu tư.

Bên cạnh đó, hỗ trợ tối đa 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha; hỗ trợ tối đa 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng cống, kiên cố kênh mương: Hỗ trợ tối đa 70%, riêng vùng trung du, miền núi, Tây Nguyên hỗ trợ tối đa 90% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Hỗ trợ tối đa 40% giá trị  mua máy móc, thiết bị đầu tư xây dựng.
Nghị định số 77/2018/NĐ-CP  nêu rõ, ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách thông qua chương trình, dự án trực tiếp hoặc lồng ghép trong các chương trình, dự án có liên quan.

MINH ANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác