Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 10/2018
Đăng ngày 09-10-2018 07:59, Lượt xem: 146

Quy định mới về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm; Thay đổi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp; Đơn giản hóa điều kiện xuất khẩu gạo; Quy định mới về nhập khẩu phế liệu; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ... là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 10/2018.

Quy định mới về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm

Có hiệu lực từ 20/10, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm thay thế cho Nghị định số 178/2013 của Chính phủ.

Theo đó, sẽ tăng mức phạt trong kinh doanh thức ăn đường phố như sau: Người bán hàng không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (trước đây chỉ phạt từ 300.000 - 500.000 đồng).

Mức phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng cũng được áp dụng với một trong các hành vi sau: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập...

Mức phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng với một trong các hành vi:

- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng với một trong các hành vi:

- Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

-  Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố;

- Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn;

- Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.

Mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng với một trong các hành vi:

- Để nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các yếu tố gây hại khác;

- Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc;

- Không có hoặc không đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng phù hợp quy định để rửa, khử trùng tay, vệ sinh cá nhân và trang thiết bị, dụng cụ;

- Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Thay đổi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, từ ngày 10/10/2018, thủ tục đăng ký doanh nghiệp sẽ có một số thay đổi, trong đó bổ sung quy định: Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và trong nghị quyết, quyết định, biên bản họp của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Sửa đổi Điều 11 về ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, khi thực hiện thủ tục, người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định số 108/2018/NĐ-CP, kèm theo bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Nghị định số 108/2018/NĐ-CP bổ sung khoản 6 Điều 25 cho phép doanh nghiệp có thể đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đồng thời đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khác, trừ trường hợp đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Nghị định số 108/2018/NĐ-CP  bỏ quy định: Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

Đơn giản hóa điều kiện xuất khẩu gạo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định cụ thể điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó, thay vì 10% như trước đây.

Theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo gồm:

- Thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

- Có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

- Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh nêu trên có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.

Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Giấy chứng nhận) không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.

- Thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định nêu trên, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.

Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có Giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế hướng dẫn.

Nghị định số 107/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/10/2018.

Quy định mới về nhập khẩu phế liệu

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT sửa đổi, bãi bỏ thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT  đã đơn giản hóa nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành tài nguyên, môi trường theo hướng: bãi bỏ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;

Cùng với đó, Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT  cũng bổ sung hình thức nộp hồ sơ cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, thay vì chỉ có hai hình thức là nộp trực tiếp và nộp qua bưu điện; Tăng thời hạn của Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất từ 02 năm lên 03 năm, kể từ ngày cấp; Đồng thời, bãi bỏ Đơn đăng ký nhập khẩu các chất Hydrochlorofluorobon (HCFC) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận trong thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu các chất HCFC tại Bộ Công Thương.

Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT  có hiệu lực từ ngày 01/10/2018.

Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, trong đó quy định cụ thể chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Theo đó, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP  quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên áp dụng các chính sách đã ban hành cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc.

Bên cạnh đó, chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; chính sách hỗ trợ gắn Nhãn xanh Việt Nam, hỗ trợ cơ sở thân thiện với môi trường; các chính sách có liên quan khác. Trong cùng thời điểm và mục tiêu, cơ sở chỉ được lựa chọn 1 chính sách phù hợp nhất.

Nghị định số 109/2018/NĐ-CP  cũng quy định cụ thể một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.

Về hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN, định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.

Nghị định số 109/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018.

 

KHÁNH VÂN

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác