Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2019
Đăng ngày 06-03-2019 03:41, Lượt xem: 130

Quy trình trao đổi, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư; Từ 1/3, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Sửa quy định hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân; Gara ô tô có chiều cao không quá 9 tầng; Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2019.

Quy trình trao đổi, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BNV quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.

Theo đó, 05 nguyên tắc và yêu cầu quản lý văn bản đến, bao gồm: Tất cả văn bản đến cơ quan, tổ chức phải được đăng ký vào Hệ thống; Số đến của một văn bản đến là duy nhất trong hệ thống quản lý văn bản đến của cơ quan, tổ chức; Xác nhận văn bản đến đúng địa chỉ; Xác định đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết văn bản đến của cơ quan, tổ chức tiếp nhận văn bản;  Giải quyết văn bản đến kịp thời, đúng thời hạn quy định.

05 nguyên tắc và yêu cầu quản lý văn bản đi, bao gồm: Tất cả văn bản đi của cơ quan, tổ chức phải được đăng ký vào Hệ thống;  Số của một văn bản đi là duy nhất trong hệ thống quản lý văn bản đi của cơ quan, tổ chức;  Xác nhận văn bản đi được gửi đến đúng địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng và thẩm quyền giải quyết; Bảo đảm văn bản được chuyển giao toàn vẹn, an toàn trong môi trường mạng;  Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, trừ yếu tố thể thức và ký số của người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 12, Điều 13 Thông tư này.

Thông tư số 01/2019/TT-BNV có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2019.

Từ 1/3, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư  số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử.

Theo đó, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau: Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử; Tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.

Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác...

Thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa 12 giờ, kể từ khi có y lệnh khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp thời gian khám, chữa bệnh kéo dài trên 12 giờ hoặc có sự cố về công nghệ thông tin thì thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa không quá 24 giờ.

Như vậy, bệnh án điện tử khi hoàn thiện sẽ giúp thực hiện bệnh viện không sử dụng giấy tờ, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Bệnh án điện tử toàn diện cập nhật các thông tin của bệnh nhân trong quá trình khám sức khỏe, sẽ là kho dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người.

Bộ Y tế cũng quy định rõ lộ trình thực hiện bệnh án điện tử. Giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định. Giai đoạn từ năm 2024 đến 2028, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai được phải báo cáo cho cơ quan quản lý trực thuộc.
Thông tư số 46/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1.3.2019.

Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm

Có hiệu lực từ ngày 10/3/2019, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ  quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. 

Trong đó, Nghị định quy định hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên.

Khu vực sinh cảnh sống thường xuyên, tập trung của các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được nghiên cứu làm cơ sở để thành lập các khu rừng đặc dụng.

Nghị định 06/2019/NĐ-CP cũng quy định tổ chức, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Đảm bảo nguồn gốc động vật rừng nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật;

- Đảm bảo an toàn cho con người; thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, thú y;

- Thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi quy định theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng con người; tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời thông tin ngay với cơ quan Kiểm lâm hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất.

Sửa quy định hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 11/2019/NĐ-CP  ngày 30/1/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có quy định thủ tục hành chính liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 

Theo đó, hồ sơ đề nghị xét tặng của cá nhân bao gồm: 

- Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" (Mẫu số 1), "Nghệ nhân ưu tú" (Mẫu số 2).

- Các tài liệu, băng, đĩa hình, ảnh mô tả, chứng minh tri thức, kỹ năng đang nắm giữ.

- Giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen liên quan tới đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể: Nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện).

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định về nộp hồ sơ đề nghị xét tặng. Cụ thể, cá nhân đề nghị xét tặng tự mình hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho cá nhân, tổ chức khác lập hồ sơ đề nghị xét tặng và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ (quy định cũ 6 bộ hồ sơ) tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang cư trú.

Nghị định số 11/2019/NĐ-CP  có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.

Gara ô tô có chiều cao không quá 9 tầng

Đây là một trong những nội dung trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gara ôtô quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BXD  của Bộ Xây dựng.

Theo đó, Quy chuẩn này đặt ra một số yêu cầu đối với gara ô tô như sau:

- Các gara ô tô mặt đất chỉ được phép xây dựng với chiều cao không quá 09 tầng, các gara ô tô ngầm không quá 05 tầng ngầm (ngoại trừ các ga ra ô tô cơ khí).

- Kích thước tối thiểu của một chỗ đỗ xe là chiều dài 5m, chiều rộng 2,3m (đối với chỗ đỗ dành cho xe có người khuyết tật sử dụng xe lăn là 3,5m)…

Thông tư  số 12/2018/TT-BXD  có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.
    
Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự

Theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự, hành vi môi giới con nuôi dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi:

- Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

- Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể…

Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.
 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác