Hàng nông sản, thủy sản miền Trung rộng đường xuất khẩu
Đăng ngày 03-04-2019 17:44, Lượt xem: 1028

Giữa tháng 1/2019, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đưa vào hoạt động cơ sở chiếu xạ tại thành phố Đà Nẵng. Cơ hội đưa hàng nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp vùng duyên hải miền Trung vào các thị trường “khó tính” như Mỹ, Châu Âu, Úc…trở nên rộng mở hơn. Và hành trình đó là cả một câu chuyện dài.

Ký ức những ngày đầu tiên

Tháng 3/2019, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, cơ sở Đà Nẵng đón một vị khách đặc biệt. Đó là ông Huỳnh Phước, nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng.

Nhiều năm sau ngày nghỉ hưu, ông mới trở lại nơi đây. Đi giữa khung cảnh núi rừng, trên những con đường rợp bóng cây xanh, ông không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của một vùng đất hoang vắng nằm sát chân núi ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn, Huyện Hòa Vang.

Toàn cảnh Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ tại Hòa Sơn (Đà Nẵng) nhìn từ trên cao

Cả vùng đất rộng 10,5 ha giờ đây là cơ ngơi khá bề thế của Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại Đà Nẵng.

Là một trong những người đặt nền móng hình thành Trung tâm này, ông Huỳnh Phước kể, những năm 2006 - 2007, nói đến năng lượng nguyên tử, công nghệ bức xạ là ai cũng lo ngại, không dễ gì thuyết phục.

Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, sự hình thành một cơ sở của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại Đà Nẵng là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố và cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đề án sau đó đã trình lên lãnh đạo thành phố và cũng đã có rất nhiều ý kiến lo ngại, đề nghị không nên triển khai. Lãnh đạo cũng hết sức phân vân, còn chúng tôi không biết làm sao, chỉ chờ có cơ hội để trình bày, nói hết ruột gan.

Ông Phước nhớ lại, năm 2007, khi đang đi công tác tại Bình Định, ông Phước nhận được điện thoại về gấp gặp lãnh đạo thành phố báo cáo Đề án thành lập cơ sở của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại Đà Nẵng.

Bỏ dỡ chuyến công tác, ông quay về. Và một buổi sáng trôi qua, ông trình bày tất cả mọi thông tin, giải đáp tất cả mối lo ngại, giá trị kinh tế của việc hình thành Trung tâm công nghệ bức xạ. Cuối cùng, ông đã thuyết phục được lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương và giao đất để xây dựng Trung tâm.

 Các công việc tiếp theo được triển khai, đến cuối năm 2011, thành phố giao đất để xây dựng Trung tâm. Đến năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư kinh phí để tiến hành xây dựng giai đoạn 1 của dự án. Đến nay, Trung tâm đã hoàn thành giai đoạn 1 với nhà chiếu xạ và lắp đặt xong dây chuyền chiếu xạ công nghiệp công suất chiếu xạ hàng chục tấn mỗi ngày.

Để tất cả ở lại… để đến Đà Nẵng

Cương có thấy nơi đây đẹp không ? Tôi chỉ kịp trả lời rất đẹp, và lúc đó tôi biết mình đã gắn bó với nơi này rồi. Phan Việt Cương, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, phụ trách cơ sở Đà Nẵng nhớ lại cơ duyên gắn bó với nơi đây vào những ngày đầu đặt chân đến vào đầu năm 2018.

Phan Việt Cương sinh năm 1978 là người lớn tuổi nhất trong 13 anh chị em đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, cơ sở Đà Nẵng. Hoàn thành Tiến sỹ Vật lý hạt nhân ở Pháp, sau đó có một thời gian dài làm việc cho một dự án về nghiên cứu Vật lý hạt nhân sử dụng chùm laser công suất cao của cộng đồng Châu Âu ở Rumani, về Hà Nội chưa được bao lâu, Cương để vợ và con nhỏ ở lại Hà Nội, vác ba lô vào ở giữa núi rừng Đại La.

Cùng với Cương, những bạn trẻ như Tuấn Anh, Thảo Nguyên, Huy, Mơ…đều để lại sau lưng mình tất cả…để đến với Đà Nẵng. Người ít nhất như Cương đã có gần 1 năm ở đây, còn lại đều trên 2 năm. Cương còn nói với chúng tôi về một phòng thí nghiệm đang dần được hình thành, một ước mơ xây dựng một khu dành riêng cho các nhà khoa học về đây để ở, nghiên cứu. “Tất cả ở đây cùng chung một con đường, một ước mơ”, Cương bày tỏ.

Phan Việt Cương đang giới thiệu về dây chuyền chiếu xạ do Trung tâm Vinagamma thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thiết kế, chế tạo và lắp đặt

Dẫn chúng tôi đi tham quan toàn bộ cơ sở, Cương say sưa nói, diễn giải từng chi tiết một của nhà chiếu xạ. “Dây chuyền này hoàn toàn do Trung tâm Vinagamma thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thiết kế, chế tạo và lắp đặt, chỉ có nguồn Colbalt-60 phải nhập từ Nga. Do đó chi phí đầu tư rẻ hơn rất nhiều so với những dây chuyền ngoại nhập”, Phan Việt Cương chia sẻ.

Chiếu xạ là một trong các biện pháp được liệt kê trong việc kiểm dịch thực vật của Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật (IPPC). Chiếu xạ là yêu cầu bắt buộc đối với hàng hoá nhập khẩu nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Úc. Các tổ chức như IAEA và FAO khuyến cáo sử dụng và hỗ trợ chiếu xạ thực phẩm và thiết bị y tế.

Trên thế giới hiện có hơn 60 quốc gia chính thức chấp nhận chiếu xạ thực phẩm, với khoảng 500.000 tấn lương thực được xử lý mỗi năm trên toàn thế giới.

Phan Việt Cương cũng cho biết thêm, chúng tôi vận hành toàn bộ hệ thống, kể cả việc nạp nguồn Colbalt-60. Chỉ riêng việc nạp lại ở các đơn vị khác phải thuê chuyên gia nước ngoài và chi phí không hề rẻ, một lần như vậy tốn đến hàng chục ngàn USD. Chính vì vậy, chi phí chiếu xạ của chúng tôi rẻ hơn gấp nhiều lần so với các đơn vị tư nhân khác trên toàn quốc.

Chi phí chiếu xạ cho mặt hàng thủy hải sản đông lạnh 2.000 đồng/kg, hàng khô dao động 5.000-7.000 ngàn/kg; dụng cụ y tế 1,1 triệu/m3. Giá cả tính ra rẻ hơn rất nhiều so với các trung tâm khác, đó là chưa tính đến chi phí vận chuyển, chờ đợi. Các sản phẩm chiếu xạ được cấp chứng chỉ qua chiếu xạ và được quốc tế công nhận. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã thực hiện chiếu xạ cho 8 chuyến hàng của các doanh nghiệp Thủy sản, nông sản thực phẩm của Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

Đặc biệt hơn, khi biết có dây chuyền chiếu xạ ở trung tâm này, một doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất thiết bị y tế, răng nhân tạo đã quyết định đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Hiện nay chúng tôi đang đàm phán với họ để thực hiện chiếu xạ các thiết bị y tế do nhà máy này sản xuất tại Khu công nghệ cao- Phan Việt Cương tiết lộ với chúng tôi trước lúc chia tay.

Có thể nói sự hình thành của Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, cơ sở Đà Nẵng là cả một câu chuyện dài với không ít gian nan và đầy tự hào bởi những nỗ lực ngày hôm qua và hiện tại đã bắt đầu cho những “quả ngọt” đầu mùa. Từ đây mở ra cánh cửa xuất khẩu cho nông sản, thủy sản của cả vùng duyên hải miền Trung. Không chỉ vậy còn góp phần thu hút đầu tư vào Đà Nẵng trong định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thu hút đầu tư công nghệ cao của thành phố.

HỘI AN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác