Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 6/2019
Đăng ngày 09-06-2019 09:42, Lượt xem: 203

Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu theo phương thức dựng sổ; Không nhập khẩu máy móc cũ quá 10 năm tuổi; Quy định về các mức phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh; Mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước phải đặt cọc từ 10 - 20%... là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 6/2019.

Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu theo phương thức dựng sổ

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ.

Theo đó, bán cổ phần theo phương thức dựng sổ là hình thức bán cổ phần của doanh nghiệp công khai cho các đối tượng có sự cạnh tranh về giá, trên cơ sở tham khảo nhu cầu của thị trường.

Việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần theo phương thức dựng sổ phải đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo toàn vốn, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Nhà đầu tư có thể thay đổi lệnh đặt mua về giá, khối lượng cổ phần đặt mua theo quy định như sau: Trước khi đặt lệnh, nhà đầu tư phải hủy lệnh đặt mua cũ. Nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh mua mới sau khi có xác nhận hủy lệnh đặt mua cũ. Thời gian đặt lệnh tính theo thời gian lệnh đặt mua mới.

Trường hợp nhà đầu tư hủy lệnh đặt mua mà không đặt lại lệnh mua mới, nhà đầu tư không được hoàn trả tiền đặt cọc.

Trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh mua mới với khối lượng lớn hơn khối lượng đặt mua cũ, nhà đầu tư phải bổ sung tiền đặt cọc tương ứng với khối lượng đặt mua tăng thêm.

Trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh mua mới với khối lượng thấp hơn khối lượng đặt mua cũ, nhà đầu tư không được hoàn trả số tiền đặt cọc tương ứng với khối lượng đặt mua giảm.

Thông tư số 21/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 3/6/2019.

Không nhập khẩu máy móc cũ quá 10 năm tuổi

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Quyết định số 18/2019/ QĐ-TTg của Thủ tướng quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Theo đó, có hiệu lực từ ngày 15/6, Quyết định số 18/2019/ QĐ-TTg đưa ra một số tiêu chí nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng như sau: Tuổi thiết bị không quá 10 năm; riêng một số loại máy móc, thiết bị lĩnh vực cơ khí, sản xuất, chế biến gỗ, sản xuất giấy và bột giấy cho phép có tuổi không quá 15 - 20 năm.

Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm. Đồng thời,  phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Trong trường hợp không có QCVN liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu thì máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được sản xuất phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng môi trường.

Ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan, doanh nghiệp phải bổ sung tài liệu sau đây:

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của doanh nghiệp. Trường hợp nhập khẩu theo ủy thác thì phải có văn bản ủy thác nhập khẩu.

- Bản chính Giấy xác nhận của nhà sản xuất máy móc, thiết bị về năm sản xuất và tiêu chí của máy móc, thiết bị đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 6 Quyết định số 18/QĐ-TTg trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc.

- Chứng thư giám định được cấp bởi một tổ chức giám định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 11 Quyết định số 18/QĐ-TTg trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc nhưng không có Giấy xác nhận của nhà sản xuất hoặc máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia không thuộc các nước G7, Hàn Quốc.

Cũng theo Quyết định số 18/2019/ QĐ-TTg, chỉ nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng khi công suất sản phẩm đạt trên 85%.  Theo đó, công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi dây chuyền công nghệ trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất còn lại phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế.

Quy định về các mức phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư  số 23/2019/TT-BTC quy định cụ thể về các mức phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh; phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ, lệ phí cấp giấy phép quản lý pháo…

Theo đó:

- Phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh: 300.000 đồng/lần

- Phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ: 20.000 đồng/lần

- Lệ phí cấp giấy phép quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: 10.000 đồng/giấy

- Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ: 10.000 đồng/giấy

- Giấy phép mang các loại đạn vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam: 50.000 đồng - 150.000 đồng/giấy, tùy số lượng viên đạn…

Thông tư số 23/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 5/6/2019.

Mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước phải đặt cọc từ 10 - 20%

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn Nhà nước.

Theo Thông tư số 21/2019/TT-BTC, nhà đầu tư công chúng có trách nhiệm nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đặt mua tính theo giá mở sổ;

Đối với nhà đầu tư chiến lược, số tiền đặt cọc bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm trong phương án cổ phần hoá đã được phê duyệt theo quy định tại điểm h Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Tiền đặt cọc sẽ được trừ vào tổng số tiền phải thanh toán mua cổ phần; nếu số tiền đặt cọc lớn hơn số tiền cần thanh toán thì phần chênh lệch sẽ trả lại cho nhà đầu tư trong vòng 03 ngày sau khi kết thúc thời hạn thanh toán. Thời hạn thanh toán là 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả dựng sổ.

Nếu quá thời hạn thanh toán mà nhà đầu tư không nộp, nộp không đủ so với số tiền phải thanh toán, nhà đầu tư không được hoàn trả tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần không thanh toán hoặc bị phạt số tiền tương đương khoản giá trị đặt cọc trong trường hợp sử dụng hình thức ký quỹ, bảo lãnh.

Đại lý dựng sổ có trách nhiệm chuyển tiền thu được từ bán cổ phần lần đầu cho Tổ chức quản lý sổ lệnh trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần của nhà đầu tư.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần của nhà đầu tư, Tổ chức quản lý sổ lệnh có trách nhiệm: Chuyển tiền thu từ bán cổ phần cho doanh nghiệp cổ phần hoá tương ứng với kinh phí giải quyết chính sách lao động dôi dư và chi phí cổ phần hoá theo dự toán đã xác định trong phương án cổ phần hoá (đối với doanh nghiệp cổ phần hoá là doanh nghiệp nhà nước); chuyển tiền thu từ bán cổ phần cho doanh nghiệp cổ phần hoá tương ứng các khoản kinh phí giải quyết chính sách lao động dôi dư, chi phí cổ phần hoá theo dự toán đã xác định trong phương án cổ phần hoá, nghĩa vụ thuế (đối với doanh nghiệp cổ phần hoá là doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ). Đồng thời, chuyển toàn bộ số tiền thu được từ bán cổ phần còn lại về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (gồm cả tiền đặt cọc không phải trả cho nhà đầu tư nếu có).
 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác