Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2019
Đăng ngày 09-06-2019 09:41, Lượt xem: 133

Xử phạt vi phạm quy định về quản lý rừng và sử dụng rừng; Quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; Thủ tục biên phòng điện tử thực hiện 24/24 giờ; Hướng dẫn khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2019.

Xử phạt vi phạm quy định về quản lý rừng và sử dụng rừng

Có hiệu lực từ ngày 10/6/2019, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp 

Theo đó, mức phạt đối với hành vi khai thác trái phép môi trường rừng và thực hiện các dịch vụ, kinh doanh trái phép trong rừng như sau:

-  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với hành vi tổ chức du lịch, tham quan trong rừng mà không được phép của chủ rừng.

-  Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng thuộc trường hợp:

+ Tổ chức các dịch vụ, kinh doanh trong rừng mà không được phép của chủ rừng;

+ Tổ chức nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với hành vi đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc trường hợp:

+ Không lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;

+  Lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhưng không phù hợp với đề án du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Theo đó, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa. 

Không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong trường hợp: các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg  có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2019. 

Thủ tục biên phòng điện tử thực hiện 24/24 giờ

Đây là nội dung đáng chủ ý được quy định tại Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg về việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý.

Theo đó, có hiệu lực thi hành từ 1/6/2019, thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền được thực hiện 24/24 giờ hàng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. 

Người làm thủ tục khai báo hồ sơ biên phòng điện tử và nhận xác nhận hoàn thành khai báo thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền bằng tài khoản đã được cấp tại bất kỳ nơi nào có thể truy cập Internet.

Biên phòng cửa khẩu biên giới đất liền thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại Nhà kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Hướng dẫn khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

Theo đó, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của Cục, Vụ và tổ chức tương đương (gọi là đơn vị) thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP được xác định như sau:

- Đối với nhóm đơn vị có số biên chế dưới 50 người/01 đơn vị theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được xác định cho nhóm đơn vị này theo công thức:

Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung(xe) = Số lượng đơn vị có số biên chế dưới 50 người (đơn vị) : 2

Trường hợp có kết quả dư (bằng 0,5) thì được làm tròn số thêm 01 xe.

- Đối với nhóm đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/01 đơn vị theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung xác định cho nhóm đơn vị này là bằng số lượng đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/01 đơn vị. 

Thông tư số 24/2019/TT-BTC nêu rõ, mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại được xác định như sau:

-  Hình thức khoán theo km thực tế:

Mức khoán (đồng/tháng) = Số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (km) x  Số ngày làm việc thực tế trong tháng (ngày) x Đơn giá khoán (đồng/km)

- Hình thức khoán gọn: 

Hình thức khoán gọn được áp dụng đối với tất cả các chức danh hoặc áp dụng đối với từng chức danh. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh), Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tập đoàn kinh tế quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng mức khoán gọn đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế, khoảng cách từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại của các chức danh nhận khoán. Mức khoán được xác định như sau:

Mức khoán (đồng/ tháng) = Số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (km)  x Số ngày đưa đón bình quân hàng tháng (ngày) x Đơn giá khoán (đồng/km)

Thông tư số 24/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/6/2019.

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác