Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2019
Đăng ngày 08-07-2019 08:31, Lượt xem: 758

Tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nâng thời hạn của giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Tăng mức phạt tới 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản; Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2019.

Tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV theo quy định; tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn đúng quy định; thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định; chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định...

Cũng theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, quỹ thực hiện cho vay dưới hai hình thức là trực tiếp và gián tiếp. Cho vay trực tiếp là việc quỹ trực tiếp thực hiện cho vay đối với DNNVV. Cho vay gián tiếp là việc quỹ thực hiện cho vay đối với DNNVV thông qua giao vốn cho ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Lãi suất cho vay trực tiếp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của quỹ.

Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của quỹ đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ.

Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm.

Nâng thời hạn của giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Nội dung đáng chủ ý trên được quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.

Theo đó, thời hạn giấy phép xử lý chất thải nguy hại là 5 năm, kể từ ngày cấp (tăng thêm 2 năm so với quy định hiện hành).

Bên cạnh đó, một số điều kiện để được cấp phép xử lý chất thải nguy hại cũng đã được sửa đổi như sau: phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trong mọi trường hợp xin cấp phép, không còn quy định các hồ sơ, giấy tờ khác để thay thế; Bãi bỏ điều kiện về đội ngũ nhân sự của cơ sở xử lý chất thải nguy hại; Tổ chức, cá nhân khi lập hồ sơ đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại thì phải có dự án, cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nghị định số 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2019.

Tăng mức phạt tới 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, mức phạt về hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản đã tăng gần 3 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.

Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá; Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện  hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản: Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét; Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét; Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên; Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài việc phạt tiền thì người vi phạm còn chịu các hình thức phạt bổ sung như sau: Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện  và ngư cụ đối với các hành vi nêu trên; Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản.

Nghị định 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/7/2019.

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gồm: cây trồng (cây lúa); vật nuôi (trâu, bò); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

Về mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, quyết định nêu rõ:

- Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo (bao gồm cả hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều), hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020: hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

- Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

- Tổ chức sản xuất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP: hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp khi đáp ứng đầy đủ quy định: Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã; Có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo quy định; Có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định..

Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2020.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, Nghị định quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo các nguyên tắc: Có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp; thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan; ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý.

Căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên như sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn; doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật; doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện.

Nghị định số 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2019 và thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

MINH ANH


 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác