Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 7/2019
Đăng ngày 08-07-2019 08:32, Lượt xem: 120

Tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng; 3 trường hợp đặc cách tuyển dụng công chức; Vợ sinh con, chồng được nghỉ thai sản; Dưới 15 tuổi được gửi tiết kiệm ngân hàng; Cá nhân cư trú từ 6 tháng trở lên được gửi tiền có kỳ hạn…. là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 7/2019.

Tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng thay cho mức lương cũ là 1.390.000  đồng/tháng.

Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng trên; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Với mức lương cơ sở mới, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ được tăng từ mức hiện tại là 3.252.600 đồng lên 3.486.600 đồng (tăng 234.000 đồng).

3 trường hợp đặc cách tuyển dụng công chức

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch, ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, từ 1/7/2019, 3 trường hợp công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển gồm: người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học; là cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang, cơ yếu; tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp… Hoặc là công chức cấp phòng trở lên, được tiếp nhận để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý.

Ngoài ra, Thông tư số 03/2019/TT-BNV cũng quy định viên chức chỉ cần đạt từ 50 điểm trở lên với mỗi bài thi trong kỳ thi nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì được coi là trúng tuyển (trước đây là 55 điểm).

Vợ sinh con, chồng được nghỉ thai sản

Nội dung nổi bật trên được quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chế độ thai sản đối với lao động nam. 

Theo đó, khi vợ sinh con, chồng sẽ được hưởng các chế độ thai sản tương đương như hưởng trợ cấp một lần khi sinh con với mức trợ cấp 2.980.000 đồng (2 lần mức lương cơ sở)/con. Ngoài ra, khi vợ sinh con, chồng cũng được nghỉ làm trong các trường hợp cụ thể.

Đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con thì trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày sinh được nghỉ 5 ngày làm việc nếu vợ sinh thường; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; 14 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền thì cha sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Đối với trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Đối với trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Nghị định số 38/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/7/2019.

Dưới 15 tuổi được gửi tiết kiệm ngân hàng

Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Thông tư số 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.

Trường hợp công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.

Cũng theo Thông tư số 48/2018/TT-NHNN, tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm; việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền khi gửi tiền nhưng lãi suất rút trước hạn phải phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cá nhân cư trú từ 6 tháng trở lên được gửi tiền có kỳ hạn

Có hiệu lực từ ngày 5/7/2019, Thông tư số 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn để hướng dẫn hoạt động nhận tiền gửi có kỳ hạn quy định tại Luật TCTD và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động ngân hàng của các TCTD.

Theo đó, đối tượng được gửi tiền có kỳ hạn bao gồm cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam thời hạn từ 6 tháng trở lên; Tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam; Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam…

Người gửi tiền gửi có kỳ hạn chỉ được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của chính mình. Việc gửi, nhận tiền gửi có kỳ hạn có thể được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp hoặc tự mình thực hiện.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác