Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2019
Đăng ngày 08-07-2019 08:33, Lượt xem: 734

Giá vé máy bay hạng phổ thông tối đa 3,75 triệu đồng; Quy định mới về Internet Banking; Sĩ quan công an là giáo sư nghỉ hưu ở tuổi 70; Quy định cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong Quân đội; Quy định về việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2019.

Giá vé máy bay hạng phổ thông tối đa 3,75 triệu đồng

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Theo đó, từ ngày 1/7/2019, giá vé hạng phổ thông cơ bản cho một chiều đi như sau:

- Đường bay có khoảng cách dưới 500km thuộc nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 1,6 triệu đồng, nhóm đường bay khác là 1,7 triệu đồng.

- Đường bay có khoảng cách từ 500km - 850 km có giá tối đa 2,2 triệu đồng;

- Đường bay có khoảng cách từ 850 km - 1.000 km có giá tối đa 2,790 triệu đồng;

- Đường bay có khoảng cách từ 1.000 km - 1.280 km có giá tối đa 3,2 triệu đồng;

- Đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên có giá tối đa 3,75 triệu đồng.

Mức vé tối đa quy định trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ các khoản thu sau: Thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh; khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm...

Quy định mới về Internet Banking

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 35/2018/TT-NHNN sửa đổi một số nội dung về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet.

Theo đó, từ ngày 1/7/2019, ứng dụng Internet Banking phải có tính năng buộc khách hàng thay đổi mật khẩu ngay lần đăng nhập đầu tiên; khóa tài khoản truy cập nếu nhập sai mật khẩu liên tiếp quá số lần quy định.

Ngân hàng chỉ mở lại tài khoản khi khách hàng yêu cầu và phải xác thực khách hàng trước khi mở khóa, bảo đảm chống gian lận, giả mạo. Ứng dụng này cũng yêu cầu phải xác thực người dùng khi truy cập và không có tính năng ghi nhớ mã khóa truy cập. Trường hợp xác thực sai liên tiếp quá số lần quy định, ứng dụng phải tự động khóa tạm thời không cho người dùng tiếp tục sử dụng.

Đối với việc truy cập hệ thống Internet Banking bằng trình duyệt, đơn vị phải có biện pháp chống đăng nhập tự động.

Đơn vị phải thiết lập chính sách hạn chế truy cập Internet đối với các máy tính thực hiện quản trị, giám sát hệ thống Internet Banking. Trường hợp cần phải kết nối Internet để phục vụ công việc, đơn vị phải đánh giá rủi ro cho việc kết nối Internet, áp dụng các biện pháp kiểm soát cho việc kết nối và phương án thực hiện phải được người có thẩm quyền tại đơn vị phê duyệt.

Thời hạn gửi tiền được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Với những khách hàng là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thời hạn gửi tiền không quá thời hạn hiệu lực của thị thực, quyết định thành lập/giấy phép hoạt động…

Sĩ quan công an là giáo sư nghỉ hưu ở tuổi 70

Có hiệu lực từ ngày 25/7, Nghị định số 49/2019/NĐ-CP quy định tuổi phục vụ trong công an nhân dân với nam là 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Riêng sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công nghệ ở cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trong công an nhân dân, tuy nhiên không giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy.

Mỗi lần kéo dài tuổi phục vụ không quá hai năm song tổng thời gian không quá 10 năm với giáo sư; không quá 7 năm với phó giáo sư; không quá 5 năm với tiến sĩ, chuyên gia cao cấp.

Các sĩ quan được kéo dài hạn tuổi phục vụ khi có đủ các điều kiện sau: được đơn vị trực tiếp sử dụng, sĩ quan có nhu cầu và còn thiếu biên chế so với ấn định; có sức khỏe, phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và tự nguyện tiếp tục làm việc theo yêu cầu.

Trong thời gian kéo dài tuổi phục vụ, người thuộc diện trên có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Quy định cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong Quân đội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 50/2019/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều kiện chung để cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội đó là, có cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật. Phải có sự bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.

Nghị định số 50/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ, ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản…

Về phạm vi hoạt động chuyên môn, Nghị định số 50/2019/NĐ-CP quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản được hướng dẫn khám sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Đối với các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể con người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể,… có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ được Bộ Quốc phòng quyết định;…

Về điều kiện cấp Giấy phép hoạt động đối với bệnh viện, Nghị định quy định, quy mô bệnh viện phải có ít nhất 30 giường bệnh, bảo đảm diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50 m²/giường bệnh trở lên. Việc bố trí các bộ phận bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện, có máy phát điện dự phòng; bảo đảm các điều kiện về xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật về môi trường.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ các điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với Trung tâm Y tế; phòng khám đa khoa thuộc quân y cơ quan, đơn vị; hồ sơ cấp lại Giấy phép hoạt động; thủ tục đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám, chữa bệnh;…

Quy định về việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BTTTT quy định việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí.

Thông tư số 03/2019/TT-BTTTT quy định nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí; việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí; quyền và trách nhiệm của cơ quan báo chí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí.

Theo đó, việc đăng, phát nội dung thông tin phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp lợi ích của đất nước và của nhân dân Việt Nam.

Không đăng, phát nội dung thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế, hình ảnh Việt Nam; gây phương hại đến quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước; kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước.

Thông tư số 03/2019/TT-BTTTT cũng nêu rõ, đối với thông tin về các vấn đề quan trọng của Việt Nam và thế giới, sau khi nhận được quan điểm của Nhà nước Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cung cấp, việc đăng, phát được thực hiện như sau: Vị trí đăng, phát: Trang nhất đối với báo in; trang chủ đối với báo điện tử; bản tin thời sự đối với kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại. Thời gian đăng, phát: Chậm nhất 02 giờ đối với báo điện tử; 05 giờ đối với báo điện tử phải chuyển ngữ; 24 giờ đối với báo in; phát vào bản tin thời sự kế tiếp đối với kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại.

Đối với thông tin giải thích, làm rõ: Đăng, phát ở vị trí dễ tiếp cận, vào thời gian sớm nhất. Đối với các nội dung thông tin đối ngoại khác: Đăng, phát vào thời gian trong ngày. Chủ động tăng số lượng ngôn ngữ thể hiện bằng tiếng nước ngoài để phục vụ đối tượng thông tin đối ngoại ở các quốc gia khác nhau, trong đó chú trọng phát triển các thứ tiếng ở địa bàn trọng điểm của thông tin đối ngoại theo từng thời kỳ.

 MINH ANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác