Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 8/2019
Đăng ngày 19-08-2019 01:47, Lượt xem: 255

Phạt nặng vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; Quản lý phương tiện phục vụ vui chơi dưới nước; Vi phạm hành chính trong hoạt động KHCN phạt đến 100 triệu đồng; Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 8/2019.

Phạt nặng vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 6 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính như giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả.

Nghị định số 45/2019/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng, nếu tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; phân biệt đối xử với khách du lịch; không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Đồng thời, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch; phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch.

Quản lý phương tiện phục vụ vui chơi dưới nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 48/2019/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.

Theo đó, người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải tự chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của mình và phải mặc áo phao trong suốt thời gian dưới nước. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và người chơi, người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước phải đủ 15 tuổi trở lên và đảm bảo về sức khỏe. Riêng người lái phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 05 sức ngựa phải có giấy chứng nhận lái phương tiện theo quy định.

Ngoài ra, Nghị định số 48/2019/NĐ-CP cũng nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Cụ thể, phải thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện, thiết bị; bố trí đầy đủ áo phao, thiết bị cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, chỉ được phép tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí trong khoảng thời gian quy định và có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Không đưa phương tiện vào hoạt động khi không đảm bảo điều kiện an toàn và không cho phép người lái phương tiện điều khiển phương tiện ra khỏi vùng hoạt động. ...

Nghị định số 48/2019/NĐ-CP cũng quy định không đưa phương tiện vào hoạt động khi không đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định; không cho phép người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước điều khiển phương tiện ra khỏi vùng hoạt động đã được quy định; có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp dịch vụ…

Nghị định số 48/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2019.

Vi phạm hành chính trong hoạt động KHCN phạt đến 100 triệu đồng

Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Nghị định số 51/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 đến 03 tháng: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ; hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Cũng theo Nghị định số 51/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với thành viên hội đồng khoa học và công nghệ công bố, cung cấp thông tin liên quan đến quá trình đánh giá, nhận xét và kết quả tư vấn khi chưa được sự cho phép của cơ quan quyết định thành lập hội đồng; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với những vi phạm về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, Nghị định quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về kết quả khai thác, chuyển giao hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; không thông báo với đại diện chủ sở hữu nhà nước khi không còn khả năng khai thác quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; không thực hiện đúng quyết định giao quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giúp tăng khả năng cân đối nguồn lực; đảm bảo công khai, minh bạch hiệu quả, không chồng chéo và trùng lặp.

Căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước; doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước.

Cụ thể, Nghị định số 55/2019/NĐ - CP chỉ rõ các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ chi phí pháp luật ở mức như sau:

- Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 3 triệu đồng/năm.

- Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 05 triệu đồng/năm.

- Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm

- Hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP.

Trường hợp được hỗ trợ thì doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật vụ việc, vướng mắc được hỗ trợ. Hồ sơ thanh toán phải có đầy đủ các giấy tờ:

- Văn bản tư vấn pháp luật, gồm 01 bản đầy đủ và 01 bản đã loại bỏ các thông tin về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp;

- Văn bản đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật có xác nhận của tư vấn viên và doanh nghiệp, trong đó có viện dẫn số và ngày của văn bản đồng ý hỗ trợ, tên người thụ hưởng và số tài khoản, ngân hàng của người thụ hưởng;

- Hóa đơn tài chính

Nghị định số 55/2019/NĐ - CP có hiệu lực từ ngày 16/8/2019.

 

MINH ANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác