Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 10/2019
Đăng ngày 29-09-2019 09:01, Lượt xem: 366

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; Không đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ; Quy định mới về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; 7 trường hợp tổ chức tín dụng phải chịu kiểm soát đặc biệt… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 10/2019.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50 triệu đồng, trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp là 100 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Cụ thể, Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không có thông tin thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất theo quy định trong biển báo nguy hiểm treo tại nhà xưởng, kho chứa hóa chất; không treo, đặt biển báo các đặc tính nguy hiểm của hóa chất ở nơi dễ thấy trong nhà xưởng, kho chứa hóa chất; không có bảng nội quy về an toàn hóa chất trong nhà xưởng, kho chứa hóa chất…

Đồng thời, phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng bồn chứa ngoài trời không có đê bao hoặc không có các biện pháp kỹ thuật khác để ngăn chặn hóa chất thoát ra môi trường; không thực hiện kiểm định định kỳ đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sử dụng.

Mức phạt tiền cao nhất đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn, chất lượng sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận; không thực hiện đầy đủ thử nghiệm, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật; sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ không đúng chủng loại với giấy chứng nhận đủ điều kiện; không thực hiện việc phân loại, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật..

Nghị định số 71/2019/NĐ-CP  có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2019 và thay thế Nghị định số 163/2013/NĐ-CP,  Nghị định số 115/2016/NĐ-CP.

Không đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 08 năm 2015 và Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Theo đó, kể từ ngày 01/10/2019, nhóm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ không còn thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.      

Quy định mới về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập

Theo đó, trước thời điểm ký hợp đồng, bên mời thầu có quyền tăng, giảm số lượng tối đa không quá 10% so với số lượng thuốc tại kế hoạch đấu thầu nhưng không làm thay đổi đơn giá hay các điều kiện khác của hồ sơ mời thầu, dự thầu.

Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực, giá trị bảo đảm được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức:

- Từ 2% đến 10% giá hợp đồng;

- Từ 2% đến 3% giá hợp đồng (đối với gói thầu quy mô nhỏ).

Thủ trưởng cơ sở y tế và nhà thầu trúng thầu chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc theo đúng quy định, phải thực hiện tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết.

Thông tư số 15/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.

7 trường hợp tổ chức tín dụng phải chịu kiểm soát đặc biệt

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2019/TT-NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng (không bao gồm ngân hàng chính sách) nếu thuộc một trong 7 trường hợp sau đây sẽ được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt.

- Thiếu hụt tài sản có tính thanh khoản cao ở mức 20% trở lên tại thời điểm tính toán tỷ lệ khả năng chi trả dẫn đến không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong 3 tháng liên tục.

- Không có khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ trong 1 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán chưa xử lý được so với tổng nợ và nợ xấu đã bán chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 1 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.

- Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 thấp hơn 4% trong 06 tháng liên tục và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán chưa xử lý được so với tổng nợ và nợ xấu đã bán chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 6 tháng liên tục mà tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 của tổ chức tín dụng thấp hơn 4%.

- Không có khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ trong 3 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.

- Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.

- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục.

- Xếp hạng yếu kém trong 2 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư số 11/2019/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2019 và thay thế Thông tư số 07/2013/TT-NHNN ngày 14/3/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

 

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác