Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 01/2020
Đăng ngày 10-02-2020 08:03, Lượt xem: 502

Lái xe uống rượu bia bị phạt tới 40 triệu, tước giấy phép lái xe 2 năm; Các trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm trước thông quan; Điều kiện về vốn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài; Tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực về đất đai; Quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng; Quy định tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam…. là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 01/2020.

Lái xe uống rượu bia bị phạt tới 40 triệu, tước giấy phép lái xe 2 năm

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2020, tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Theo quy định cũ tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, mức xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng).

Đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn với mức xử phạt từ 400.000 đồng - 600.000 đồng.

Các trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm trước thông quan

Có hiệu lực từ 1/1/2020, Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Theo đó, ngoài các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các trường hợp dưới đây được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm:

- Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

- Hàng hóa nhập khẩu trong danh mục và định lượng miễn thuế theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác và sinh hoạt của tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao;

- Hành lý của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế;

- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.

Nghị định số 85/2019/NĐ-CP cũng quy định thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cụ thể, việc khai, sửa đổi, bổ sung thông tin khai có thể được thực hiện theo một trong hai hình thức tạo lập thông tin khai điện tử sau: Tạo lập thông tin khai theo các tiêu chí, định dạng do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng theo chuẩn dữ liệu do Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia hướng dẫn; gửi đến Cổng thông tin một cửa quốc gia và khai trực tiếp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Điều kiện về vốn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 89/2019/NĐ-CP quy định điều kiện về vốn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép chiếm tối đa 34% vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài, theo quy định tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP thì tỷ lệ trên là 30%.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng thêm điều kiện: Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất; Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

Về mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, Nghị định số 89/2019/NĐ-CP quy định như sau:

- Khai thác đến 10 tàu bay: 300 tỷ đồng Việt Nam;

- Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 600 tỷ đồng Việt Nam;

- Khai thác trên 30 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam.

Trong khi đó, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.

Nghị định số 89/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực về đất đai

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP tăng hàng loạt mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, cụ thể:

- Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây).

- Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang đất ở (tăng 10 lần mức phạt so với trước đây).

- Phạt đến 20 triệu đồng với cá nhân và 40 triệu đồng với tổ chức nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có Sổ đỏ (tăng 4 lần mức phạt so với trước đây).

- Phạt đến 5 triệu đồng với cá nhân và 10 triệu đồng với tổ chức nếu không sang tên Sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tăng 2 lần mức phạt so với trước đây).

- Phạt đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức nếu bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng (mức phạt này trước đây chưa quy định).

Đồng thời, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP bổ sung quy định mới, xử phạt với trường hợp tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ làm thủ tục cấp Sổ đỏ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua. Mức phạt tiền với trường hợp trên căn cứ vào thời gian và phạm vi căn hộ công trình xây dựng vi phạm.

Cụ thể, vi phạm từ 50 ngày đến 6 tháng, mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ; tối đa 50 triệu đồng với phạm vi từ 30 đến 100 căn hộ, trên 100 căn hộ với mức phạt tối đa 100 triệu đồng.

Vi phạm thời gian từ 6 - 9 tháng mức phạt cao nhất lên tới 300 triệu đồng với trường hợp từ 100 căn hộ. Đặc biệt, vi phạm từ 12 tháng trở lên với phạm vi từ 100 căn hộ sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng và buộc nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua.

Với cá nhân, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP cũng quy định trường hợp Toà án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu liên quan đến đất đai để thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ giải quyết tranh chấp mà quá thời hạn không cung cấp sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Trường hợp cá nhân sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan tới đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/01/2020 và thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.

Quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng

Theo Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ, mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau: Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng; Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD); Công ty tài chính: 500 tỷ đồng; Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng; Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn: 0,5 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

Nghị định số 86/2019/NĐ-CP quy định, tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải bảo đảm có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định tại Nghị định số 86/2019/NĐ-CP.

Quỹ tín dụng nhân dân được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định số 86/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành phải có biện pháp bảo đảm vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định quy định trên, chậm nhất vào ngày 30 tháng 6 năm 2021.

Kể từ ngày 15/01/2020, trường hợp có văn bản quyết định thay đổi về địa giới hành chính, phân loại đơn vị hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày văn bản quyết định thay đổi về địa giới hành chính, phân loại đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, quỹ tín dụng nhân dân phải có biện pháp bảo đảm có vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định trên.

Nghị định số 86/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.

Quy định tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam

Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Nghị định số 89/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, đối với tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách: Không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng đối với tàu bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê;

Đối với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung: Không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê;

Các loại tàu bay khác ngoài quy định nêu trên: Không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 30 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại tàu bay.

Nghị định số 89/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

MINH ANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác