Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2020
Đăng ngày 15-03-2020 05:21, Lượt xem: 263

Không ghi hình thức đào tạo trên bằng đại học; Nghiêm cấm có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch; Quy định mới về điều kiện thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT; Thời gian thông báo xét nghiệm HIV dương tính; Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…. là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2020

Không ghi hình thức đào tạo trên bằng đại học 

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, từ ngày 1/3/2020, trên văn bằng có các nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng…

Thông tin về hình thức đào tạo (chính quy, tại chức hay vừa làm vừa học…) không được ghi trong nội dung chính của văn bằng. Nội dung này sẽ được ghi trên phụ lục và kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, phụ lục còn ghi thông tin về nội dung, kết quả học tập (tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp. Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học, số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo); thông tin kết nối với văn bằng (mã số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh; số hiệu văn bằng).

Nghiêm cấm có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch

Có hiệu lực từ ngày 20/03/2020, Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.

Luật quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 78/2009/NĐ-CP đều không có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quốc tịch, do đó, không có cơ sở pháp lý để xử lý khi phát sinh trên thực tế. Tuy nhiên, tại Điều 6 Nghị định số 16/2009/NĐ-CP  bổ sung quy định mới về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm các hành vi: 

- Dùng giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung; khai báo không trung thực, có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch; 

-  Dùng giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này để chứng minh đang có quốc tịch Việt Nam; 

- Lợi dụng thẩm quyền được giao để cấp giấy tờ về quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam trái quy định của pháp luật; xác nhận không có cơ sở, không đúng sự thật về người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; 

- Lợi dụng việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam để xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi nêu trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Quy định mới về điều kiện thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. 
Theo đó, từ ngày 01/3/2020, điều kiện và tỷ lệ thanh toán của một số loại thuốc được thay đổi như sau:

- Thuốc Liraglutide: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 30% cho người bệnh đái tháo đường tuýp 2 đáp ứng đồng thời các tiêu chí:

+ Trên 40 tuổi, BMI > 23, mắc đái tháo đường tuýp 2, có bệnh lý tim mạch hoặc tăng huyết áp;

+ Không kiểm soát đường huyết sau thời gian 03 tháng

+ Suy thận nồng độ CrCI < 59 ml/phút

- Tinh bột este hóa: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi việc sử dụng dịch truyền đơn thuần không cải thiện lâm sàng; điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế

- Thuốc Imatinib: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn hoặc u mô đệm dạ dày ruột với mức thanh toán 80% (trước đây chỉ thanh toán 50%).

Thời gian thông báo xét nghiệm HIV dương tính

Có hiệu lực từ 15/03/2020, Thông tư số 02/2020/TT-BYT quy định trình tự thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

Theo đó, thời gian thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính phải thực hiện chậm nhất là 72 giờ kể từ khi người chịu trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm nơi người bệnh được lấy mẫu xét nghiệm nhận được Phiếu kết quả xét nghiệm, trừ các trường hợp sau đây:

- Người được xét nghiệm HIV không đến nhận kết quả xét nghiệm;

- Người được xét nghiệm HIV chưa thể tiếp nhận thông tin về tình trạng nhiễm HIV dương tính của bản thân do không đủ sức khỏe, người chịu trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính chọn thời gian phù hợp để thông báo cho người được xét nghiệm.

Theo đó, việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính được thực hiện qua các hình thức sau:

- Thông báo trực tiếp và trả Phiếu kết quả xét nghiệm cho đối tượng được quy định tại điểm a và b, khoản 1, Điều 30 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (viết tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS).

- Thông báo trực tiếp hoặc chuyển Phiếu kết quả xét nghiệm cho các đối tượng được quy định tại điểm c và d, khoản 1, Điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

- Thông báo bằng văn bản kèm theo Phiếu kết quả xét nghiệm cho đối tượng được quy định tại điểm đ và e, khoản 1, Điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 31/03/2020.

Nghị định số 19/2020/NĐ-CP  quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mục đích kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.

Theo Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, buộc thôi việc công chức vòi tiền người vi phạm là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc nếu vi phạm một trong các hành vi sau đây: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác