Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2020
Đăng ngày 07-06-2020 08:28, Lượt xem: 283

Những điểm mới trong quy chế tuyển sinh Đại học năm 2020; Đại học vùng được thiết kế mẫu văn bằng giáo dục đại học; Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành…. là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2020.

Nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh Đại học năm 2020

Có hiệu lực từ ngày 20/6/2020, Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định quy chế tuyển sinh đại học và trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2020.

Theo đó, nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh Đại học năm 2020 như sau:

 Áp dụng chung cho mọi hình thức đào tạo

Quy chế tuyển sinh 2020 áp dụng trong tuyển sinh trình độ đại học; trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non bao gồm các hình thức đào tạo: Chính quy; Vừa làm vừa học; Theo đặt hàng; Liên thông. Quy chế này thay thế cho tất cả các nội dung liên quan tới Quy chế tuyển sinh của từng loại hình đào tạo đã ban hành trước đây.

 Không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm

Từ năm 2020 các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Thêm đối tượng được tham gia dự thi

Theo Khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT, bổ sung thêm đối tượng đã tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông (THPT) của nước được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam ở nước ngoài hoặc ở nước ngoài được tham gia dự tuyển đại học, cao đẳng ở Việt Nam.

Phải công khai Đề án tuyển sinh trước 15 ngày

Theo Khoản 3 Điều 2 của quy chế tuyển sinh 2020, tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển. Đồng thời, các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về nội dung của Đề án với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan.

Đặc biệt, hiệu trưởng, chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định trong trường hợp không kịp thời báo cáo, công khai Đề án tuyển sinh trong thời hạn nêu trên.

Bổ sung điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng

Theo Điều 12 của Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT đã bổ sung quy định về tổ chức thi, kiểm tra riên để tuyển sinh. Cụ thể, các trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, bao gồm thi các môn văn hóa hoặc thi đánh giá năng lực hoặc hình thức thi khác hoặc kết hợp một số hình thức thi, phải tuân thủ các yêu cầu sau: Có bộ phận chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; Đảm bảo cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu để tổ chức tốt kỳ thi riêng: Từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi... đến cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên. Xây dựng được cấu trúc đề thi phù hợp cho tuyển sinh đại học; công bố trước khi thí sinh đăng ký dự thi ít nhất là 15 ngày. Đồng thời, đảm bảo ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận của trường đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi...

Đại học vùng được thiết kế mẫu văn bằng giáo dục đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 10/2020/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

Theo đó, đại học vùng và các đơn vị thành viên của đại học vùng thiết kế mẫu văn bằng giáo dục đại học, in phôi, cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về cơ cấu tổ chức của đại học vùng thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Giáo dục đại học), bao gồm: Hội đồng đại học vùng; Giám đốc đại học vùng; phó giám đốc đại học vùng; Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); Trường đại học thành viên, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường thuộc đại học vùng, ban chức năng; tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học vùng.

Thông tư số 10/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 29/6/2020 và thay thế Thông tư số  08/2014/TT-BGDĐT ngày 20/3/2014.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 29/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính.

Theo đó, việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp… vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 63/2019/NĐ-CP.

Đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích; sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân; sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản khác vào mục đích cá nhân sẽ bị xử lý theo các mức phạt sau:

+ Từ 01- 05 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản.

+ Từ 05 - 10 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100.000.000 đồng trở lên/01 đơn vị tài sản.

+ Từ 10 - 20 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

Phạt tiền đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau:

+ Từ 01- 05 triệu đồng trong trường hợp cố ý làm hư hỏng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;

+ Từ 05 - 10 triệu đồng trong trường hợp cố ý làm hư hỏng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản;

+ Từ 10 - 20 triệu đồng trong trường hợp cố ý làm hư hỏng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

Thông tư số 29/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 02/6/2020.

Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BNV  ngày 16/4/2020 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành.

Cụ thể, Thông tư số 01/2020/TT-BNV  bãi bỏ một số văn bản sau:

- Thông tư 01/2011/TT-BNV hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính;

- Thông tư 07/2012/TT-BNV hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan;

- Thông tư 01/2019/TT-BNV vụ quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.

Hiện nay, thể thức và cách trình bày văn bản phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/3/2020.

Thông tư số 01/2020/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác