Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9/2020
Đăng ngày 02-09-2020 08:01, Lượt xem: 167

Quy định mới về hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ; Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Giới hạn tuổi tàu biển được đăng ký tại Việt Nam; Quy định về phân nhóm gói thầu trang thiết bị y tế…. là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9/2020.

Quy định mới về hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ

Có hiệu lực từ 01/9/2020, Thông tư số 02/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2014/TT-BNV về quản lý chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Theo đó, quy định hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ gồm:

- Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập (đối với tổ chức). Hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân hành nghề độc lập). Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức). Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).

- Danh sách người hành nghề lưu trữ (đối với tổ chức).

- Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc để thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thông tư số 02/2020/TT-BNV bãi bỏ Điều 6, Điều 8, Điểm b Khoản 2 Điều 11 và Biểu mẫu số 7, 8, 9 tại Phụ lục I của Thông tư số 09/2014/TT-BNV.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ban hành ngày 9/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, điều kiện phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền như sau:

- Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

- Có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật.

- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị định này.

- Ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.

- Đảm bảo tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành, giao dịch trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 8 Điều 6 Nghị định này.

- Có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

- Thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có).

- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng, trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.

Giới hạn tuổi tàu biển được đăng ký tại Việt Nam

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 86/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.

Nghị định số 86/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 4 Điều 7 về giới hạn tuổi tàu biển được đăng ký tại Việt Nam. Cụ thể, tuổi của tàu biển, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động mang cờ quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng khi đăng ký tại Việt Nam được thực hiện theo quy định sau:

- Tàu khách, tàu ngầm, tàu lặn: không quá 10 năm.

- Các loại tàu biển khác, kho chứa nổi, giàn di động: không quá 15 năm.

- Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định nhưng không quá 20 năm và chỉ áp dụng đối với các loại tàu chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, chở dầu hoặc kho chứa nổi.

Cũng theo Nghị định 86/2020/NĐ-CP, việc mua tàu biển sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo quy trình sau:

- Phê duyệt chủ trương mua tàu biển;

- Lựa chọn tàu, dự kiến giá mua và các chi phí liên quan đến giao dịch mua tàu;

- Lập, thẩm định, phê duyệt dự án mua tàu biển;

- Quyết định mua tàu biển;

- Hoàn tất thủ tục mua tàu biển.

Nghị định số 86/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.

Quy định về phân nhóm gói thầu trang thiết bị y tế

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Theo đó, từ ngày 01/9/2020, gói thầu trang thiết bị y tế có thể có một hoặc nhiều chủng loại trang thiết bị y tế và mỗi chủng loại trang thiết bị y tế có thể được phân chia theo 06 nhóm, đơn cử như:

- Nhóm 1 gồm các trang thiết bị y tế đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây:

+ Được ít nhất 02 nước trong số các nước thuộc Phụ lục số I kèm theo Thông tư 14/2020 (sau đây gọi là nước tham chiếu) cấp GCN lưu hành tự do;

+ Sản xuất tại nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.

- Nhóm 2:

+ Được ít nhất 02 nước tham chiếu cấp GCN lưu hành tự do;

+ Không sản xuất tại các nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.

- Nhóm 3:

+ Được ít nhất 01 nước tham chiếu cấp GCN lưu hành tự do;

+ Sản xuất tại nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.

- Nhóm 4:

+ Được ít nhất 01 nước tham chiếu cấp GCN lưu hành tự do;

+ Không sản xuất tại các nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác