Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 5/2021
Đăng ngày 07-05-2021 09:24, Lượt xem: 171

Tăng mức hỗ trợ học nghề với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Bổ sung quy định về yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá; Công dân nhắn tin để tra cứu thông tin của mình trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hỗ trợ đóng BHYT cho NLĐ làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa; Tốt nghiệp cử nhân có thể học nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 5/2021.

Tăng mức hỗ trợ học nghề với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thủ tướng chính phủ vừa ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, từ ngày 15/5/2021, NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề quy định tại Điều 55 Luật Việc làm 2013 sẽ được hưởng hỗ trợ theo các mức sau đây:

-  Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Trường hợp NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tào nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống được tính là 0,5 tháng; Từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

Bổ sung quy định về yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá.

Theo đó, từ ngày 01/5/2021, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 hoặc điểm c khoản 2 hoặc điểm c khoản 3 hoặc điểm c khoản 4 hoặc điểm c khoản 5 Điều 39 Luật giá 2012;

- Có ít nhất 03 năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá;

- Không là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong khoảng thời gian 01 năm (12 tháng) tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại Giấy chứng nhận này.

Cũng theo Nghị định số 12/2021/NĐ-CP, giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP trên nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; trường hợp việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm định giá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Công dân nhắn tin để tra cứu thông tin của mình trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 37/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 hướng dẫn Luật Căn cước công dân.

Theo đó, quy định công dân được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư bằng các hình thức sau:

- Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin; 

- Thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ Công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an (sắp tới, theo quy định tại Nghị định này, Bộ Công an sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư của cá nhân).

Trường hợp thông tin về công dân được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau mà không thống nhất về nội dung thông tin, khi thu thập thông tin về công dân, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đăng ký hộ tịch, cơ quan có liên quan hoặc công dân để kiểm tra tính pháp lý của các thông tin đó và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin.

Các thông tin về công dân đã được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được lưu trữ đầy đủ, thể hiện được quá trình lịch sử các lần cập nhật, thay đổi, điều chỉnh.

Cũng theo Nghị định số 37/2021/NĐ-CP, công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan trên sẽ có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nghị định số 37/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 14/5/2021.

Hỗ trợ đóng BHYT cho NLĐ làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa

Theo Nghị định số 22/2021/NĐ-CP về khu kinh tế quốc phòng, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHYT cho NLĐ làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa,... theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chế độ, chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tại Khu kinh tế - quốc phòng theo quy định sau đây:

- Đối với quân số thuộc biên chế của Đoàn kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ về đất ở để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại địa bàn Khu kinh tế - quốc phòng; được đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

- Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được các hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Người lao động, công nhân làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nhà nước hỗ trợ đóng BHYT và các chế độ chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định số 22/2021/NĐ-CP, hộ dân sinh sống hợp pháp tại Khu kinh tế - quốc phòng được hưởng các quy định về hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ về nhà ở, công trình sinh hoạt thiết yếu và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 22/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/5/2021 và thay thế Nghị định số 44/2009/NĐ-CP.

Tốt nghiệp cử nhân có thể học nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT về chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học và Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT về Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông (THCS, THPT).

Theo Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT, đối tượng áp dụng là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học (Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất và Ngoại ngữ). Để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, người học phải hoàn thành 35 tín chỉ.

Theo Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT, đối tượng học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên THCS, THPT là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với các môn học của bậc THCS, THPT. Người học phải hoàn thành 34 tín chỉ để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho cử nhân muốn làm giáo viên tiểu học được thiết kế với 35 tín chỉ, trong đó 31 tín chỉ bắt buộc, 4 tự chọn. Một tín chỉ tương đương 15 tiết lý thuyết. Một tiết lý thuyết tương đương với hai tiết thảo luận, thực hành.

Chương trình dành cho người có nguyện vọng làm giáo viên THCS, THPT sẽ gồm 34 tín chỉ, trong đó 17 tín chỉ chung và 17 tín chỉ nhánh THCS hoặc THPT.

Mục tiêu chung của chương trình là người học có những phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở từng cấp học.

Những người có nguyện vọng dạy THCS hoặc THPT phải vận dụng được tri thức khoa học chuyên ngành vào dạy chương trình môn học phổ thông, xây dựng được kế hoạch dạy học, bài học phù hợp với đặc thù môn học, đặc điểm học sinh và môi trường giáo dục, đánh giá được quá trình và kết quả học tập của học sinh...

Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số12/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.

MINH ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác