Một số luật có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2015
Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là những luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015.

Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Luật Giáo dục nghề nghiệp gồm 8 chương, 79 điều, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh đến trung cấp chuyên nghệp và cao đẳng. Theo đó, trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp bao gồm: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng. Trường cao đẳng được tách ra khỏi giáo dục đại học, trở thành một cơ sở của giáo dục nghề nghiệp.

Chính phủ thống nhất quản lý giáo dục nghề nghiệp và sẽ quy định cụ thể về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Quy định quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp được bố cục thành 10 chương gồm 66 điều. Luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm 4 nhóm là: Đại diện chủ sở hữu nhà nước; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà Luật không cấm

Luật doanh nghiệp có nhiều cải cách quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nhất của Luật gồm: thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp năm 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian và chi phí trong thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên công ty. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các bên có liên quan tham gia vào giám sát hoạt động của doanh nghiệp.

Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà thầu nước ngoài

Luật Đầu tư có 7 chương, 76 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành nghề mà Luật không cấm.

Luật Đầu tư có điểm mới là bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước; đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà thầu nước ngoài (từ 45 ngày theo luật Đầu tư 2005 xuống còn 15 ngày). Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án đầu tư.

Người nước ngoài được sở hữu nhà

Một trong những điểm mới nổi bật nhất của Luật Nhà ở 2014 là có một chương riêng quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam hoặc mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Luật Nhà ở 2014 cũng quy định thời hạn sử dụng đối với nhà chung cư căn cứ vào cấp công trình xây dựng và kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư. Đồng thời, siết chặt về tổ chức, quản lý nhà chung cư, cơ cấu lại tổ chức ban quản trị nhà chung cư. Đối với ban quản trị nhà chung cư có một chủ sở hữu sẽ được tổ chức theo mô hình tự quản. Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được tổ chức và hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình ban chủ nhiệm của hợp tác xã, có tư cách pháp nhân, có con dấu và thực hiện các quyền, trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư quy định tại khoản 1 điều 104 Luật Nhà ở 2014.

Giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh

Luật Kinh doanh bất động sản mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi mua, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, nhất là đối với bất động sản là nhà ở.

Luật quy định: Chủ đầu tư dự án chỉ được thu tiền của khách hàng lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng (trường hợp bên bán, bên cho thuê mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng). Khi bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì không được thu quá 95% giá trị hợp đồng...

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành án dân sự

Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình tổ chức thi hành án.

Mặt khác, để phù hợp với thực tiễn, Luật sửa đổi theo hướng chuyển việc xác minh điều kiện thi hành án từ nghĩa vụ của người được thi hành án thành trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự nhằm giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án, đồng thời quy định người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh.

Bổ sung quy định thủ tục phong, thăng cấp bậc hàm đối với công an nhân dân

Ngày 09/12/2014, Chủ tịch nước ký lệnh 33/2014/L-CTN công bố Luật công an nhân dân 2014. Theo đó, có những điểm nổi bật sau:
- Học sinh, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được phong cấp bậc hàm cao hơn một bậc.
- Hạn định số lượng cấp Tướng, cụ thể:

+ Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;

+ Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an (số lượng thứ trưởng có hàm Thượng tướng không quá 6);

+ Trung tướng, Thiếu tướng: Theo quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Điều 24 Luật này.

- Thời hạn thăng cấp bậc hàm trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm; sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng không quá 57 tuổi; trừ trường hợp có yêu cầu của Chủ tịch nước.

- Quy định cụ thể cấp bậc hàm của sĩ quan Công an nhân dân biệt phái. Các quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực từ ngày Luật được công bố.

Điều chỉnh quy định cấp bậc quân hàm

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 5 điều của Luật hiện hành. So với Luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung có điều chỉnh quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đối với một số chức vụ của sĩ quan, đồng thời quy định cụ thể số lượng cấp phó có quân hàm là cấp tướng. Cấp bậc quân hàm được quy định để phù hợp với điều kiện thực tế trong thời bình, thời gian giữ chức vụ dài hơn thời chiến, tiết kiệm được nguồn nhân lực và ngân sách đào tạo, thuận lợi trong bố trí, sử dụng sĩ quan.

Luật quy định bảng lương của sĩ quan được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt. Sĩ quan được hưởng phụ cấp nhà ở, được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.
 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác