10 chính sách nổi bật về lao động, tiền lương có hiệu lực trong tháng 8/2015
Quy định mới về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi; phải có 1 cán bộ chuyên trách an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với công trường từ 50 người trở lên; quy định mới về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; doanh nghiệp công nghệ cao vừa và nhỏ phải có từ 5% lao động nghiên cứu tốt nghiệp đại học; công chứng viên nghỉ hưu không quá 1 năm vẫn được hành nghề; danh mục thiết bị dạy nghề mới; cá nhân được tổ chức nhóm trẻ tư thục tối đa không quá 7 trẻ; sẽ có nhà chung cư công vụ diện tích tối thiểu từ 25 - 45m2; chi phí cho người lao động đi công tác được trừ khi tính thuế TNDN; hướng dẫn xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao là 10 chính sách nổi bật về lao động, tiền lương có hiệu lực trong tháng 8/2015.

Quy định mới về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi

Bộ Giao thông và Vận tải đã ban hành Thông tư số 21/2015/TT-BGTVT ngày 5/6/2015 về quy định thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt.

Thông tư này quy định rõ, lái tàu, phụ lái tàu, thời gian làm việc không quá 9 tiếng trong một ngày và không quá 156 tiếng trong một tháng.
Với trưởng tàu, nhân viên và công nhân đường sắt làm việc trực tiếp trên các đoàn tàu, thời gian làm việc không quá 12 tiếng trong một ngày và không quá 208 tiếng trong một tháng. Trường hợp hành trình chạy tàu dài hơn 12 tiếng thì áp dụng theo chế độ làm việc: thời gian lên ban 8 tiếng, thời gian nghỉ tại chỗ 8 tiếng. Tại các ga đông khách theo quy định thì nhân viên đang nghỉ tại chỗ có trách nhiệm tăng cường đón, tiễn khách.

Đồng thời, Thông tư còn đề cập đến nghỉ hàng tuần, hàng năm, nghỉ lễ tết, nghỉ khác và các quy định khác.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/2015 và thay thế cho Thông tư số 23/1998/TT-BGTVT.

Phải có 1 cán bộ chuyên trách an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với công trường từ 50 người trở lên

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về  quản lý dự án đầu tư xây dựng.  Công trường xây dựng có từ 50 người trực tiếp làm việc trở lên phải có ít nhất 1 cán bộ chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động; công trường dưới 50 người thì cán bộ kỹ thuật thi công có thể kiêm nhiệm làm công tác này.

Đồng thời, Nghị định cũng nêu rõ, từ ngày 5/8/2015, người nước ngoài đã hành nghề xây dựng ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp tại Bộ Xây dựng. Từ 2/1/2016, cơ sở bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ xây dựng phải đăng ký để được công nhận, công bố trên website của Bộ Xây dựng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/8/2015.

Quy định mới về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức

Theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ, từ ngày 1/8/2015, việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tổ chức vào tháng 12 hàng năm. Công chức có hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí bị xử lý kỷ luật sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Cán bộ được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và có lối sống, tác phong, lề lối làm việc chuẩn mức, lành mạnh; có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan.

Cán bộ, công chức được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi không thực hiện hoặc vi phạm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng hoặc pháp luật của Nhà nước bị cấp có thẩm quyền nghiêm khắc phê bình hoặc xử lý kỷ luật theo quy định; Cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hoặc quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Với công chức, hoàn thành dưới 70% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm cũng bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải tổ chức đối thoại với tổ chức, công dân về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính định kỳ 6 tháng 1 lần. Kết quả cải cách thủ tục hành chính là một căn cứ để xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cấp phó của cơ quan.

Doanh nghiệp công nghệ cao vừa và nhỏ phải có từ 5% lao động nghiên cứu tốt nghiệp đại học

Doanh nghiệp công nghệ cao vừa và nhỏ phải có từ 5% lao động làm nghiên cứu tốt nghiệp đại học; doanh thu năm từ sản phẩm công nghệ cao đạt từ 70%; tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm phải đạt ít nhất 1% là nội dung tại Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, có hiệu lực từ ngày 1/8/2015.

Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, sử dụng trên 300 số lao động phải có ít nhất 15 lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; có doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao và tổng chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển tối thiểu bằng 70% và 0,5% doanh thu năm.

Công chứng viên nghỉ hưu không quá 1 năm vẫn được hành nghề

Đó là nội dung nổi bật của Thông tư số 06/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 1/8/2015, công chứng viên của phòng công chứng đã nghỉ hưu hoặc thôi việc không quá 1 năm vẫn được giữ chức danh công chứng viên và có thể tham gia thành lập văn phòng công chứng hoặc hành nghề tại văn phòng công chứng đang hoạt động.

Cũng theo Thông tư này, công chứng viên đang hành nghề phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm tối thiểu 3 ngày làm việc, tương đương 24 giờ tại các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm do Học viện Tư pháp; Hội công chứng viên hoặc Sở Tư pháp tổ chức thực hiện. Riêng đối với công chứng viên đã tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp, tham gia giảng dạy tại 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm hoặc tham gia 1 khóa bồi dưỡng nghề công chứng nước ngoài sẽ được miễn nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng trong năm đó.

Đồng thời, Thông tư số 06/2015/TT-BTP còn quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng viên hàng năm bao gồm:

- Hội công chứng viên; trường hợp địa phương chưa thành lập Hội công chứng viên thì Sở Tư pháp thực hiện bồi dưỡng.

- Học viện Tư pháp.

Ban hành nhiều danh mục thiết bị dạy nghề mới

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành 03 Thông tư quy định Danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề. Cụ thể như sau:

- Thông tư số 18/2015/TT-BLĐTBXH với 22 nghề như: Chạm khắc đá; Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò; Lái tàu đường sắt; Thông tin tín hiệu đường sắt…

- Thông tư 19/2015/TT-BLĐTBXH với 36 nghề như: Sửa chữa thiết bị tự động hóa; Sửa chữa thiết bị chế biến dầu khí; Bảo vệ môi trường đô thị; Xử lý rác thải; Chế biến lương thực; Lắp đặt thiết bị lạnh…

- Thông tư số 20/2015/TT-BLĐTBXH với 40 nghề như: Gia công và thiết kế sản phẩm mộc; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Xây dựng cầu đường bộ; Nguội sửa chữa máy công cụ; Kỹ thuật máy nông nghiệp…

Các Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2015.

Cá nhân được tổ chức nhóm trẻ tư thục tối đa không quá 7 trẻ

Theo Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 30/06/2015, cho phép những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ tới trường, cá nhân được tổ chức nhóm trẻ tư thục nhưng tối đa không quá 7 trẻ; phải đăng ký hoạt động với Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Cũng theo Điều lệ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được có tối đa 50 trẻ; người thành lập phải tốt nghiệp Trung học phổ thông thay vì Trung học cơ sở như trước đây.

Các quy định trên có hiệu lực từ 14/8/2015.

Sẽ có nhà chung cư công vụ diện tích tối thiểu từ 25 - 45m2

Nhà chung cư công vụ sẽ có diện tích sử dụng tối thiểu từ 25 - 45m2 tại đô thị thay vì phải từ 45 - 50m2 như trước; với căn hộ tại khu vực nông thôn, diện tích sử dụng tối thiểu theo quy định mới sẽ từ 25 - 30m2, giảm 5m2 so với tiêu chuẩn cũ (trước đây là 30 - 35m2). Đó là nội dung nổi bật trong Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các trường hợp không đủ nhà ở công vụ để bố trí theo tiêu chuẩn sẽ căn cứ vào quỹ nhà hiện có, xem xét bố trí cho thuê; người thuê nhà ở công vụ phải trả tiền thuê kể cả khi diện tích sử dụng thực tế vượt hoặc thấp hơn tiêu chuẩn.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2015.

Chi phí cho người lao động  đi công tác được trừ khi tính thuế TNDN

Ngày 22/6/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Thông tư về Thuế. Theo Thông tư này, Bộ Tài chính quy định tiền thuê tài sản, tiền thuế doanh nghiệp nộp thay cho cá nhân khi thuê tài sản sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); đồng thời, bỏ mức khống chế đối với khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác; khoản chi phí này được trừ khi tính thuế TNDN nếu có hóa đơn, chứng từ theo quy định; tương tự đối với khoản chi trang phục cho người lao động bằng hiện vật.

Ngoài ra, trong kỳ tính thuế TNDN, doanh nghiệp chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản) bị lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất - kinh doanh, sau khi bù trừ vẫn còn lỗ thì tiếp tục được chuyển sang các năm tiếp theo trong thời hạn chuyển lỗ theo quy định.

Hướng dẫn xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao

Ngày 26/6/2015, Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch ban hành Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLT-BNV-BVHTTDL hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao.

Theo đó, các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:

- Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 01/8/2015.


KHÁNH VÂN
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác