Vụ kháng thuế cự sưu ở Quảng Nam và các tỉnh Trung Kỳ năm 1908
Cuối thế kỷ XIX, quyền lực của Nam triều trên dải đất miền Trung coi như hoàn toàn bị thủ tiêu. Vua quan đều nhận lương hàng tháng như những công chức chính quyền thuộc địa. Trước kia, thuế điền thu bằng thóc, nay nộp bằng tiền. Lại còn thêm thuế chợ, thuế rượu, thuế muối…

Ở Quảng Nam, người dân còn phải đi phu đào sông, đắp đường ở đèo Hải Vân, đường Đà Nẵng đi Kon Tum, đường vào Nông Sơn để khai thác than, vào Bồng Miêu để khai thác vàng. Ăn uống kham khổ, dang nắng dầm mưa, tai nạn lao động, đau ốm không thuốc làm nhiều người đã bỏ mạng. Tình hình ấy làm cho dân tình xôn xao. Trong một đám giỗ ở làng La Đái thuộc huyện Đại Lộc, một số lý hào và học trò bàn chuyện làm đơn gởi lên tỉnh đòi giảm bớt sưu thuế (9-1908), rồi tập hợp thành đoàn biểu tình, kéo lên tỉnh.

Khi đoàn biểu tình đến Hội An thì số người tham gia đã trên con số nghìn. Viên công sứ Pháp là Charles sai lính khố xanh ngăn đoàn biểu tình vào tòa sứ, bảo họ cử đại diện vào trình bày mà thôi. Để uy hiếp tinh thần, viên công sứ bắt ba đại diện của đoàn biểu tình rồi đưa đi Lao Bảo ngay từ chiều hôm ấy, làm cho nỗi căm phẫn dâng cao, người kéo đến ngày càng đông. Đường phố Hội An chật ních người. Dân biểu tình thay nhau, kẻ ở người về, tiếp tế cơm nước, kiên quyết bám trụ. Đến ngày 12, 13 tháng 3, con số lên khoảng 6.000 người. Từ trung tâm chính trị Hội An, phong trào đã lan nhanh ra các phủ, huyện.
Ở Điện Bàn, dân kéo đến phủ lỵ đòi tri phủ Trần Văn Thống đi xin sưu cùng với dân. Hắn chống chế không chịu đi, đã bị dân bắt bỏ lên xe kéo, kéo đi.
 
Ở Thăng Bình, dân tụ tập đòi tri phủ Lê Bá Đằng đi xin sưu với dân. Lính tập đã giải vây, bắn bị thương một số người.
 

Ở Hòa Vang, Ông Ích Đường hướng dẫn dân truy bắt Lãnh Điềm, một tên tay sai tàn ác của thực dân, nhưng y đã trốn thoát chạy về Đà Nẵng.

Ở Tam Kỳ, trước khi thế đầy phẫn uất của quần chúng đòi “ăn gan” đề đốc Trần Tuệ - một tên tay sai gian ác từng hành hạ, đánh đập, ức hiếp phu làm đường vào mỏ vàng Bồng Miêu - đã hoảng sợ, hộc máu mồm rồi tắt thở sau khi Tòa Đại lý Pháp đưa xe đến giải thoát y.
 
Những tin tức về cuộc biểu tình chống thuế ở Quảng Nam đã nhanh chóng lan ra các tỉnh bạn. Ở phía Nam, phong trào bùng lên từ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) rồi lan nhanh vào Bình Định, Phú Yên. Ngày 18-4 hơn một vạn người kéo đến bao vây tỉnh thành Bình Định. Cuộc biểu tình ở Tuy Hòa (Phú Yên) đông hơn ngàn người bị đàn áp khốc liệt.
 
Ở phía bắc, nhân dân Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tỉnh, Nghệ An, Thanh Hóa đã nổi dậy hưởng ứng. Thực dân Pháp đã đàn áp khốc liệt. Nhiều người đã bị bắn chết tại chỗ, hàng ngàn người khác bị bắt bị tù, đày đi Côn Lôn, Lao Bảo, Thái Nguyên. 
 
 
Những người tham gia cuộc kháng thuế năm 1908

Nhận xét về cuộc chống thuế cự sưu bộc phát từ Quảng Nam, rồi lan nhanh ra 10 tỉnh Trung Kỳ, Huỳnh Thúc Kháng - một nhân chứng lúc bấy giờ - đã viết: “Suy cuộc cự sưu năm 1908, thuần nhiên là từ sức quần chúng phơi gan trải ruột, đem xương máu chống lại hai chính phủ: Chính phủ bảo hộ Pháp và Chính phủ Nam triều (…) Rõ ràng là viên đá móng đầu tiên xây nền dân chủ trong thời quyền lực (thống trị) còn vững chãi(1).

(1) Huỳnh Thúc Kháng, Vụ chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, Nxb. Ích Trí, 1946, tr. 3.

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác