Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (1885 - 1887)
Ngày 23 tháng 5 Ất Dậu (5-7-1885) tiếng súng chống Pháp do Tôn Thất Thuyết khởi xướng nổ ra tại kinh đô Huế và đã bị quân Pháp phản công áp đảo. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng rời Huế chạy ra Tân Sở. Tại đây, ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần vương.

Hưởng ứng chiếu Cần vương, nhân dân ta ở khắp mọi nơi, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu văn thân yêu nước đã sôi nổi đứng lên chống Pháp.

Tháng 7 năm Ất Dậu (8-1885), tiến sĩ Trần Văn Dư thay mặt Nghĩa hội Quảng Nam ra Bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh đứng lên đáp nghĩa Cần vương chống Pháp.
 
Ngày 4-9-1885, nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của Trần Văn Dư bao vây chiếm tỉnh thành La Qua. Quân triều đình do Bố chánh Bùi Tiến Tiên, Tuần phủ Nguyễn Ngoạn bỏ thành rút chạy. Nghĩa quân làm chủ tình thế. Nhưng đến tháng 9, quân Pháp và quân Nam triều dưới quyền chỉ huy của tướng Schants đã phản công chiếm lại thành. Sau đó, cướp lấy thời cơ, quân Pháp và quân Nam triều tiếp tục truy kích, tấn công căn cứ của nghĩa quân ở Đại Lộc, Quế Sơn, Tam Kỳ… Trước sức mạnh và vũ khí tối tân của địch, lực lượng nghĩa quân bị tổn thất nặng. Đến tháng 10-1885, các căn cứ chỉ huy như Dương Yên, An Lâm, Đại Đồng bị địch bao vây và lần lượt thất thủ.
 
Trước tình thế nguy ngập đó, Trần Văn Dư đã bàn với bộ tham mưu (gồm Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành) về kế “giải binh quy điền” nhằm bảo toàn lực lượng, chuẩn bị kế hoạch lâu dài sau này. Trần Văn Dư bàn giao mọi việc lại cho Nguyễn Duy Hiệu thay ông lãnh đạo Nghĩa hội.
 

Tháng 12-1885, ông quyết định ra Huế để gặp vua Đồng Khánh (Trần Văn Dư vốn là phụ đạo giảng tập của Đồng Khánh) nhằm thương nghị với triều đình, tìm một lối thoát trong tình thế khó khăn của Nghĩa hội. Nhưng vừa đến La Qua (tỉnh thành Quảng Nam) thì gặp Châu Đình Kế, quyền Tổng đốc Quảng Nam bắt giữ và báo với quan Pháp là đã “bắt được tướng giặc”. Ông bất khuất, đối đáp lại một cách đanh thép. Châu Đình Kế đã âm mưu với quân Pháp, đem bắn ông ngay tại góc thành tỉnh, ngày 13-12-1885.

Đầu năm 1886, Nguyễn Duy Hiệu chính thức làm Hội chủ mới Nghĩa hội thay Trần Văn Dư. Ông đã chọn thung lũng Trung Lộc thuộc Quế Sơn, nơi đất đai màu mỡ, có nhiều vườn cây trái và cánh đồng lúa lớn, xung quanh có núi cao bao bọc, làm nơi đặt tổng hành dinh của Nghĩa hội với tên gọi là Tân tỉnh Trung Lộc.
 
Do sự chênh lệch quá lớn về quân số và vũ khí, sau một số trận chiến đấu, nghĩa quân không cản nổi bước tiến của giặc. Nhận thấy bước suy vong của Nghĩa hội là không thể tránh khỏi, Nguyễn Duy Hiệu bàn định với phụ tá Phan Bá Phiến:
 
Nghĩa hội ba tỉnh, ông với tôi thật chủ trương. Việc đã không thể làm thì chỉ có chết mà thôi. Nhưng hai ta cùng chết một lúc là vô ích. Ông hãy chết trước. Phần tôi sẽ giải tán Hội, rồi đem thân mặc cho Pháp bắt. Người Pháp tra hỏi, tôi sẽ cực lực giải thoát cho Hội. Một mình tôi chết không đáng tiếc, còn Hội ta sau này có kẻ làm thành chí ta, tức là ta sống đó!”.
 
Trước đề nghị chí tình mà cũng rất quyết đoán của người đồng chí thiết cốt, mà cũng là thủ lãnh của phong trào, Phan Bá Phiến đã khẳng khái nhận lời, rồi lấy túi thuốc độc mang theo bên mình, dốc vào mồm, tự tận.
 
Chứng kiến xong cái chết của người đồng chí tâm phúc, Nguyễn Duy Hiệu theo đường sông Trường Giang về lại nơi cố hương Thanh Hà. Sau khi về nhà viếng mẹ già, Nguyễn Duy Hiệu ra miếu thờ Quan Công giữa bãi cát Thanh Hà, mặc áo dài đen, đầu vấn khăn cẩn thận, ngồi xếp bằng, tự tại ngay trước bàn thờ Quan Vân Trường, rồi cho người đi báo Nguyễn Thân đến bắt ông.
 
Trước cái gọi là Hội đồng Viện Cơ mật của triều đình Đồng Khánh cũng như trước phái viên của Tòa Khâm sứ, Nguyễn Duy Hiệu chỉ cung khai sau trước một lời: “Nghĩa hội Quảng Nam ở ba tỉnh, không dưới vài trăm, đều là những người có tên tuổi, nhưng cam tâm làm giặc duy chỉ có mình Hiệu mà thôi. Kỳ dư đều bị ép theo. Họ sợ bị thiêu hủy nhà cửa, không dám không theo, ngoài ra không có bụng gì khác. Vậy chém một mình Hiệu cũng đủ, chớ nhọc lòng hỏi tội những kẻ khác làm gì”.
 
Sáng ngày rằm tháng 8 năm Đinh Hợi (1-10-1887), tức một ngày sau khi Đồng Khánh phê duyệt bản án tử hình, lãnh tụ Nghĩa hội Nguyễn Duy Hiệu ung dung ra pháp trường với nụ cười trên môi. Ông đã để lại hai bài thơ tuyệt mệnh. Câu cuối của bài thơ tuyệt mệnh thứ hai của Nguyễn Duy Hiệu “Ký ngữ phù trầm tư thế giả? Hưu tương thành bại luận anh hùng”, sau này được Huỳnh Thúc Kháng dịch:
 
Chìm nổi trên đời ai đó tá?
Chớ đem thành bại luận anh hùng!
 
Cái chết đầy tính chất bi tráng của hai thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam là Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã khép lại một phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân, tuy ngắn ngủi, nhưng không kém phần sôi động, oanh liệt.
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác