Phan Khôi người khơi dòng cho "Thơ mới" trong lịch sử thi ca Việt Nam
Phan Khôi (1887-1959) thuở nhỏ học chữ nho, đỗ tú tài Hán học (1905), nhưng ông không thích dấn thân vào con đường khoa cử, chuyển sang tự học quốc ngữ và tiếng Pháp. Có cơ sở Hán học vững chắc, lại sớm tiếp thu tư tưởng Âu Tây, Phan Khôi có lối tư duy sắc sảo, táo bạo, đã đưa ra nhiều kiến giải độc đáo trong những cuộc tranh luận về học thuật, về triết học, sử học và những bài phê bình về Nho giáo trên báo Thần chung, trong loạt bài bình giảng thơ được tập hợp lại trong Chương dân thi thoại, đem lại cho người đọc một cách hiểu mặn mà, lý thú về thơ Nôm, thơ quốc ngữ. Ông đã làm một việc khó ai ngờ là sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh thánh cho Hội thánh Tin Lành.

Thời Pháp thuộc, Phan Khôi được xem như một nhà báo kỳ cựu, đã từng cộng tác với cả chục tờ báo như Thực nghiệp dân báo, Hữu Thanh, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Đông Pháp thời báo, Trung Lập, Tràng An, Tri Tân, Tao Đàn; chủ trương tờ Sông Hương… Ông đã viết khoảng trên một nghìn bài báo thuộc nhiều lĩnh vực: văn học, sử học, văn hóa, ngôn ngữ học, lý luận, chính trị, xã hội…

Phan Khôi cũng là người châm ngòi cho nhiều cuộc bút chiến sôi động trong thập niên 30 của thế kỷ trước, như tranh luận về Quốc học, tranh luận về Truyện Kiều, tranh luận về duy tâm và duy vật, tranh luận về phong kiến Việt Nam; từng “đọ bút” với Trần Trọng Kim, Trần Huy Liệu, Phạm Quỳnh, Trịnh Đình Rư, Tản Đà, Hải Triều, Nguyễn Tiến Lãng…
 
Không chỉ có thế, Phan Khôi cũng là người đầu tiên khai mở một lối thơ được gọi là “Thơ mới” trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Bài Tình già của ông được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học coi như một “tuyên ngôn” của thơ mới vào những thập niên đầu thế kỷ XX.
 
Bài Tình già được ra mắt bạn đọc trên báo Phụ nữ tân văn số 122, ngày 10-3-1932, cùng bài giới thiệu lấy tên Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ với lời lẽ thận trọng, rào trước đón sau, nhưng cũng đầy day dứt như: “Lâu nay mỗi khi có hứng, tôi toan dở ra ngâm vịnh thì cái hồn thơ của tôi bị lúng túng. Thơ chữ Hán ư?
 
Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà Huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi làm tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói lại không nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào chưa nói, mình muốn nói ra thì lại bị những niêm luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh luẩn quẩn trong bàn tay họ hoài, thật là dễ tức…”.
 
Duy tân đi! Cải lương đi! Ông hô hào một sự cải cách. Còn sau đây là nguyên văn bài “thơ mới” đầu tiên của ông:
 
TÌNH GIÀ
 
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
- “Hay nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng ấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng mà tính việc thủy chung!”
Hai mươi năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố ai nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi.
 
Bài thơ Tình già vừa ra đời đã gây một tiếng vang mạnh mẽ, cả ý kiến khen cũng như chê, cổ vũ cũng như bài xích khá sôi nổi và kéo theo hàng loạt cuộc tranh luận giữa các đại biểu của hai phía “thơ cũ” và “thơ mới”.
 
Năm 1941, cuộc tranh chấp của thơ mới, thơ cũ đã khép lại. Nhiều người trong cuộc có đủ lý do để gạt bỏ những cố chấp. Trong Thi nhân Việt Nam – một công trình được coi là tác phẩm đầu tiên tổng kết về “thơ mới”, Hoài Thanh đã viết: “Đừng lấy một người sánh với một người, hãy sánh thời đại cùng với thời đại. Tôi quyết rằng trong lịch sử thơ ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc hồn thơ mở rộng như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực như Xuân Diệu (…). Tấn kịch mới, cũ trong phạm vi thơ ca đã kết liễu. Thơ mới đã giành được quyền sống, đã chiếm hầu hết báo chí, sách vở, đã len vào đến học đường, và đã vào học đường, nhất là ở nước ta, tức là thanh thế đã to lắm” (Một thời đại trong thi ca, chương mở đầu trong Thi nhân Việt Nam).
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác