Giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An và ở các phủ, huyện trong Cách mạng tháng 8-1945

Tình hình chiến tranh thế giới đến giữa năm 1945 phát triển mau lẹ. Chỉ trong hai tuần lễ tiến côngBerlin, hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 450.0000 quân phát xít Đức, khiến Hitler phải tự sát. Ngày 9-5-1945, Đức quốc xã buộc phải ký văn bản đầu hàng vô điều kiện với Liên Xô và các nước Đồng minh. Quân Nhật ở Viễn Đông lâm vào thế bị bao vây, cô lập.

 

Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị tổ chức Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp. Trước tình hình khẩn trương chuẩn bị cho công cuộc khởi nghĩa, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập hội nghị mở rộng trên một chiếc thuyền ở bến đò Ông Đốc trên sông Thu Bồn, đề ra nhiệm vụ cấp bách: mở rộng và củng cố Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, phát triển nhiều đội tự vệ vũ trang, xây dựng căn cứ du kích liên hoàn, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.

 

Cuộc họp của Tỉnh ủy Quảng Nam tại Tam Xuân (Tam Kỳ) qua ngày thứ hai thì được tin cấp báo Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Đây là cơ hội vàng, cuộc họp căn cứ vào tinh thần bản chỉ thị của Trung ương “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” trước đó để ra quyết định phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy khởi nghĩa, không ngồi chờ chỉ thị của Trung ương và Xứ ủy nữa. Đây là một quyết định kịp thời và sáng suốt của Tỉnh ủy, làm cho cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam – Đà Nẵng diễn ra trùng hợp với cao điểm của Tổng khởi nghĩa toàn quốc.

 

Theo kế hoạch dự kiến của Ủy ban bạo động tỉnh, các cấp phủ, huyện sẽ khởi sự trước, sau đó sẽ tập trung lực lượng kéo về giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An. Nhưng đến chiều 17-8-1945, ông Võ Toàn (Võ Chí Công) thay mặt Ủy ban bạo động đến kiểm tra tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở Hội An thấy kế hoạch khá chu đáo, trong khi tình hình địch đang lâm vào khủng hoảng cao độ. Tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện.

 

Nếu không chớp thời cơ khởi nghĩa ngay trong đêm 17-8 mà để đến ngày hôm sau mới hành động thì tên tỉnh trưởng thực hiện mưu đồ thỏa hiệp, trao quyền cho lực lượng “phản đế”. Lúc đó, ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

 

Ba giờ sáng ngày 18-8-1945, đoàn quân khởi nghĩa từ ngoại ô thị xã, vừa đi bộ, vừa đi thuyền đổ về nội ô. Lực lượng quân khởi nghĩa lần lượt chiếm các công sở, bến tàu, nhà dây thép, bao vây đồn lính bảo an. Lúc này, cơ sở nội ứng của ta đã mở toang cửa đồn, tuyên bố đầu hàng cách mạng. Quân khởi nghĩa đã dùng búa bửa củi phá kho, lấy được 120 khẩu súng, đem phát ngay cho lực lượng tự vệ. Tên tỉnh trưởng Tôn Thất Gián bị bắt giữ ngay từ đầu.

 

Trời sáng, một cuộc mít tinh quần chúng được diễn ra tại nơi tỉnh đường. Lá cờ vàng 3 sọc đỏ bị kéo xuống, và lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tung bay theo gió. Trong giờ phút nghiêm trang ấy, đại biểu Mặt trận Việt Minh tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn thân Nhật, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng. Tin khởi nghĩa thắng lợi ở Hội An đã nhanh chóng lan truyền về các phủ, huyện, tổng, xã.

 

 

Cơ quan Mặt trận Việt Minh Cửu Long (Hội An) – nay là số 2, đường Nguyễn Huệ, thành phố Hội An

  

Ở phủ Điện Bàn, theo kế hoạch của Ủy ban bạo động, đồng bào sẽ hợp thành ba cánh quân tiến về phủ lỵ: một cánh từ Giáp Năm theo quốc lộ 1 kéo vào; một cánh từ Phong Thử theo tỉnh lộ 100 kéo xuống; một cánh từ Gò Nổi kéo sang qua đò Phương Trà. Đến 9 giờ sáng ngày 18-8-1945, chính quyền của phủ Điện Bàn đã về tay nhân dân.

 

Ở phủ Duy Xuyên, Tri phủ Nguyễn Tú do bị ta tấn công từ trước bằng tối hậu thư, nên đã cùng số lính tập sắp sẵn súng đạn, ấn tín, xin đầu hàng giao lại mọi giấy tờ sổ sách cho cách mạng. Đến 12 giờ trưa ngày 18-8-1945, chính quyền ở đây đã về tay nhân dân.

 

Ở huyện Đại Lộc, trong ngày 18-8-1945, lực lượng khởi nghĩa 6 tổng trong huyện đã kéo về huyện lỵ đóng tại Đông Lâm dự mít tinh mừng lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời của huyện.

 

Ở huyện Quế Sơn, trong đêm 18-8, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm huyện đường, biến nơi đây thành đêm hội mừng thắng lợi của cách mạng, hò hát thâu đêm. Đến 7 giờ sáng hôm sau là cuộc mít tinh quần chúng dự lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời do Đỗ Quang làm Chủ tịch.

 

Cùng lúc với huyện Quế Sơn, phủ lỵ Thăng Bình cũng thuộc về tay lực lượng khởi nghĩa trong đêm 18-8-1945.

 

Phủ Tam Kỳ là một địa bàn quan trọng ở phía nam tỉnh, có thị trấn lớn, có trạm thương chánh, đồn Hòa Hiệp, cơ quan đại lý… do đó việc tổ chức giành chính quyền cần có kế hoạch chu đáo. Do ta đã tiếp xúc, thuyết phục từ trước, Tri phủ Trần Kim Lý đã thuận giao tất cả sổ sách, tiền bạc, súng ống cho cách mạng vào lúc 8 giờ sáng ngày 20-8-1945.

 

Tại huyện Tiên Phước, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm huyện lỵ tối 18-8, và sáng hôm sau trong cuộc mít tinh quần chúng, Ủy ban bạo động tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân.

 

Thế là từ khởi điểm Hội An thắng lợi, chỉ trong hai ngày đêm đã có 7 phủ, huyện và thị xã nhân dân đã vùng lên đánh đổ chính quyền tay sai thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng. Thắng lợi to lớn ban đầu này đã tạo thế và lực để hoàn thành công cuộc giành chính quyền trong phạm vi toàn tỉnh.

 

 

Các đồng chí trong Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Nam (8-1945)

 

Huyện Hòa Vang là vành đai bao quanh thành phố Đà Nẵng, nơi có đông quân Nhật đóng như Hòa An,Hòa Mỹ, Nam Ô, Phước Lý. Nhiều kho vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực của chúng được thiết lập ở Phước Tường, Xuân Dương, Đà Sơn. Sát nách huyện là sân bay và thành phố đang có đến 5.000 lính Nhật đồn trú, do đó việc giành quyền ở Hòa Vang phải rất thận trọng và khôn khéo. Việc khởi nghĩa giành chính quyền ở đây được tiến hành khá thuận lợi ở 6 tổng từ ngày 18-8 đến 21-8-1945. Thừa thắng, ngày 22-8-1945, Ủy ban bạo động huyện quyết định giành chính quyền ở huyện lỵ Hòa Vang một cách nhanh chóng và trôi chảy. 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác