Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5
Bảo tàng Hồ Chí Minh tại thành phố Đà Nẵng nằm trong cụm bảo tàng lưu giữ những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu của dân tộc. Bảo tàng được xây dựng phỏng theo khuôn mẫu ngôi nhà thật của Bác ở thủ đô Hà Nội với ao cá, nhà sàn, vườn cây.. và lưu giữ một số kỷ vật về cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh vì dân tộc của Người, tạo ra một không gian vừa thiêng liêng vừa ấm áp, gần gũi.

Nhà sàn Bác Hồ

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5, tọa lạc tại số 01 đường Duy Tân, được khởi công xây dựng vào năm 1976 tại thành phố Đà Nẵng. Ngày 19 tháng 5 năm 1977, Bảo tàng chính thức đi vào hoạt động, và được xếp hạng là bảo tàng Quốc gia hạng hai vào năm 1995. Nơi đây, theo nguyện vọng của nhân dân và lực lượng vũ trang Quân khu 5, ngôi Nhà sàn và ao cá Bác Hồ được dựng lại theo tỷ lệ 1/1 đúng với di tích ở Thủ đô Hà Nội.

Với diện tích rộng hơn 9 ha, Bảo tàng được chia làm hai phần chính là khu trưng bày ngoài trời và các phòng trưng bày bên trong. Khu trưng bày ngoài trời bao gồm khuôn viên Nhà sàn với vườn cây, ao cá Bác Hồ, và khu vực trưng bày các vũ khí thể khối lớn như: máy bay, xe tăng, xe bọc thép, các khẩu pháo từ 75mm đến 175mm…, các loại vũ khí của quân đội Pháp, Mỹ bị bộ đội Khu 5 thu được và sử dụng đánh địch trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Khu nhà trưng bày gồm 4 phòng trưng bày giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh; cùng 8 nhà trưng bày hàng ngàn hình ảnh, hiện vật về sự ra đời, chiến đấu và chiến thắng của các lực lượng vũ trang Khu V. Đặc biệt có nhiều hình ảnh, hiện vật quý hiếm được trưng bày thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, hiệu quả của sức mạnh chiến tranh nhân dân địa phương Khu V trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thể hiện tấm lòng son sắt, thuỷ chung của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Khu V đối với Bác Hồ và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với đồng bào, chiến sĩ Khu V.

Hiện vật trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng

Mỗi hiện vật tại Bảo tàng là một chiến tích, một câu chuyện cảm động về cuộc đấu tranh, hy sinh vì dân tộc của cán bộ chiến sĩ, lực lượng vũ trang Khu V. Bộ khóa chốt chì của anh hùng liệt sĩ Đặng Tiến Lợi, được anh dùng để đánh mìn vào khu rada của Mỹ ngụy ở bán đảo Sơn Trà vào ngày 15/8/1972. Anh phải mất 03 tháng chuẩn bị cho trận đánh này, vừa tìm mục tiêu vừa tác chiến trong hoàn cảnh bí mật, anh phải ăn gạo rang và ngủ trong hang đá, 6 lần vượt 108km đường biển, anh cùng 4 đồng đội đã tập kích tất cả 10 lần vào khu rada của địch gây nhiều thiệt hại cho địch. Lần thiệt hại thứ 10 vào ngày 12/12/1972 anh đã anh dũng hy sinh. Khóa chốt chì hiện tại được trưng bày tại Bảo tàng Khu V, là vật còn lại duy nhất của anh sau trận đánh anh hy sinh.

Đôi dép của chị Phan Thị Mùa - Nữ biệt động thành phố Đà Nẵng. Chị Phan Thị Mùa sinh năm 1955 là nữ biệt động thành phố Đà Nẵng, năm 1972 chị được tổ chức giao nhiệm vụ đánh vào kho xăng của Mỹ ở ngã ba đường Trưng Nữ Vương - Núi Thành, Đà Nẵng. Chị xin vào làm công nhân ở kho xăng. Mỗi ngày đi làm chị dấu một ít thuốc nổ dưới đế dép lê bí mật chuyển vào kho xăng (quãng đường từ 3 đến 4km) trong suốt 4 tháng từ 4/1972 đến 8/1972 chị đã chuyển được 4 kg thuốc nổ. Và vào lúc 19h buổi tối trung tuần tháng 8/1972 cả thành phố Đà Nẵng rung chuyển bởi tiếng nổ lớn, đó là chiến công của nữ biệt động thành Phan Thị Mùa, với 4 kg thuốc nổ chị đã phá kho xăng của địch, phá hủy hàng triệu lít xăng, gây thiệt hại nặng cho kho xăng của Mỹ, ngụy ở thành phố Đà Nẵng. Với chiến công này, chị được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng II năm 1975.

Chiếc mủng hai đáy của ông bà Hồ Lễ Phương ở phường Hòa Cường Đà Nẵng, do chính tự tay ông bà đan, mặt trên và trong của mủng giống như bao chiếc mủng khác, nhưng thực ra phía ngoài có thêm một đáy thứ 2, rất khó phát hiện. Ông bà đã dùng chiếc mủng này để chuyển tài liệu bí mật cho con trai là đồng chí Hồ Lễ Ân, cán bộ cách mạng hoạt động ở thành phố từ 1965 đến 1970, tuyệt đối an toàn, địch không phát hiện được. Năm 1977 ông bà đã tặng chiếc mủng này cho Bảo tàng.

Các em học sinh háo hức được tham quan Nhà sàn Bác Hồ

Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ là nơi người dân, du khách được tìm hiểu về con người, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn giúp các thế hệ sau có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng trong quá trình bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như tình cảm của nhân dân nơi này dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT