Tọa lạc tại số 155 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, nhà hát tuồng của thành phố được đặt theo tên của nhà soạn giả, thầy dạy nghệ thuật tuồng, nhà hoạt động tuồng lỗi lạc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, Nguyễn Hiễn Dĩnh. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tiền thân là Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam, được thành lập ngày 21 tháng 7 năm 1967 tại khu căn cứ kháng chiến của tỉnh. Với gần 60 diễn viên, nhạc công và cán bộ diễn viên, 6 vở diễn và chương trình hoàn chỉnh, Đoàn liên tục ra quân phục vụ, theo sát bước chân anh bộ đội đi biểu diễn phục vụ khắp các tỉnh khu V cũ và miền Nam cho đến hết chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tháng 11 năm 1992 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng có quyết định thành lập Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trên cơ sở sáp nhập Ban nghiên cứu tuồng và Đoàn nghệ thuật tuồng Quảng Nam Đà Nẵng. Sau khi thành phố Đà Nẵng tách ra thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trở thành đơn vị nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng.
Với bề dày lịch sử ấy, hơn 45 năm qua, gần 100 vở diễn đã được dàn dựng và biểu diễn, trong đó có 7 vở đề tài hiện đại, 5 vở chuyển thể và phóng tác từ kịch bản nước ngoài, có một vở trực tiếp dàn dựng với đạo diễn nước ngoài, còn lại là đề tài lịch sử, truyền thuyết lịch sử, dã sử, dân gian và tuồng đồ. Trong quá trình oạt động nghệ thuật, có 6 nghệ sĩ của Nhà hát được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, 20 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú, 10 nghệ sĩ được công nhận là Nghệ sĩ xuất sắc, và hàng chục nghệ sĩ diễn viên được nhận huy chương vì sự nghiệp Văn hóa, huy chương vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam. Hàng chục vở diễn của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã đạt huy chương vàng, bạc và các giải cao trong các kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, các cuộc hội thi, liên hoan nghệ thuật cấp quốc gia và khu vực. Nhà hát đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì (năm 2002), Huân chương lao động hạng ba (năm 1988), Huân chương giải phóng hạng nhất (năm 1976).
Nhằm thu hút khán giả đến với sân khấu tuồng, qua đó thêm hiểu, thêm yêu môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong những năm gần đây, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã xây dựng nhiều thể loại chương trình biểu diễn để phù hợp với nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Vào tối thứ 4 và tối thứ 7 hàng tuần, Nhà hát biểu diễn phục vụ khán giả và du khách bằng những trích đoạn tuồng cổ được chọn lọc từ hơn 10 vở tuồng cổ kinh điển như: Ngoại tổ dâng đầu, Lý Phụng Đình, Hộ sinh đàn...; kết hợp cùng các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc trên nền những tác phẩm âm nhạc và các bài dân ca Việt Nam, độc tấu đàn bầu, kèn Chăm, trình diễn các tiết mục múa, hát độc đáo của ba miền Bắc, Trung, Nam... Bên cạnh đó, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn phối hợp với các Trường Mầm non, Trường Tiểu học tổ chức các buổi học ngoại khóa bằng hình thức biểu diễn hát tuồng, múa rối nước, nhằm giúp các bé được thay đổi không khí vui chơi, học tập, được tham quan, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương.
Ngoài ra, nhà hát còn tổ chức nhiều chương trình trưng bày các tư liệu, hình ảnh giới thiệu về nghệ thuật, trang phục tuồng; các nhạc cụ dân tộc; các sản phẩm lưu niệm (trang phục, đạo cụ, mặt nạ tuồng, móc khóa có hình ảnh điểm du lịch, DVD các đêm diễn...);... nhằm quảng bá văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đưa tuồng cổ ngày càng tiếp cận gần hơn với người dân và du khác gần xa, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng cũng như thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.
NGÔ HUYỀN