Quá trình quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng

Đà Nẵng được nhìn nhận là một vị trí kinh tế, quân sự yết hầu của miền Thuận Quảng kể từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào giai đoạn 1570-1606, và kết nối với thương cảng Hội An được xem như là cửa ngõ chính giao lưu với thế giới bên ngoài.

Mặc dầu vậy, sau các tên gọi khác nhau như cửa Hàn, thị xã Tourance cho mãi tới đầu thế kỷ 20, Đà Nẵng mới thực sự có vai trò thay thế Hội An trở thành thương cảng và trung tâm thương mại, du lịch – một đô thị lớn, quan trọng của miền Trung Việt Nam.

Do có vị trí trọng yếu về mặt quốc phòng đối với cả nước, nên Đà Nẵng cũng là một vùng đất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, là một địa danh mà ngoại bang thường dòm ngó và chọn để tấn công đầu tiên khi xảy ra giao chiến. Trong suốt giai đoạn từ 1858-1975, mảnh đất có ưu thế về quốc phòng này, liên tiếp phải chứng kiến các cuộc giao tranh, đặc biệt trong giai đoạn từ 1954-1975 có thể nói Đà Nẵng thực sự trở thành một “đô thị quân sự”. Hàng loạt căn cứ quân sự quan trọng được xây dựng kiên cố đáp ứng mục tiêu quân sự đã mọc lên như sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, cảng Tiên Sa, cảng Sông Hàn, cảng Hải quân, cảng xăng dầu Mỹ Khê, ga đường sắt, đường bộ, đường không, đường thủy, hệ thống kho tàng bến bãi… Và chính các cơ sở vật chất đó đã trở thành hệ thống đầu mối hạ tầng kỹ thuật cơ bản, là nền tảng để tạo dựng đô thị trong những năm sau chiến tranh. Kể từ sau năm 1975, Đà Nẵng cùng với cả nước được hoàn toàn giải phóng và bước sang một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn khắc phục hậu quả do chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định xã hội.

Giai đoạn 1980-1985: Đà Nẵng được xác định là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh với vị trí là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Chức năng chủ yếu là thành phố cảng, du lịch – nghỉ mát, đầu mối giao thông và an ninh quốc phòng.

Giai đoạn 1991-1993: Quy hoạch chung cho Thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/12/1993 với những nội dung cơ bản sau: Ngoài vị trí là thủ phủ của Tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, còn giữ vai trò là thành phố công nghiệp tổng hợp, trung tâm kinh tế của vùng khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ, là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng về cảng biển, sân bay quốc tế, giao thông quốc lộ xuyên Việt, xuyên Á và đường sắt quốc gia trung tâm thương mại, du lịch và dịch vụ của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và của vùng các tỉnh miền Trung, Trung Bộ và giữ vị trí trung tâm, chủ chốt về quốc phòng của khu vực miền Trung, Trung Bộ - Tây Nguyên và cả nước;

Giai đoạn 1993-2002, sau khi được tái lập (1/1/1997), Quy hoạch chung cho Thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465/2002/QĐ-TTG ngày 17/6/2002 với những nội dung cơ bản sau: Là một đô thị trung tâm cấp quốc gia và trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chức năng là trung tâm kinh tế (cảng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính ngân hàng); là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; là một trong những trung tâm văn hoá, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Giai đoạn 2002-2013, Quy hoạch chung cho Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/2013/QĐ-TTG ngày 04/12/2013 với những nội dung cơ bản sau: Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Là trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế. Là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT