Đảm bảo nội dung về bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai
Đăng ngày 22-02-2023 16:10, Lượt xem: 354

Ngày 22-2, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương và Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lương Thị Đạo đồng chủ trì Hội nghị.

Ngày 29/11/2013 Quốc Hội ban hành Luật số 45 Luật Đất đai và sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả khá tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương phát biểu

"Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau hơn 8 năm thi hành, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, bên cạnh đó nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai nên Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, sửa đổi," Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương nói.

Xuất phát từ trực trạng đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai 2013, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn và hiện nay dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được xác định là một sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, do đó phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất và khách quan.

“Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có rất nhiều quy định ảnh hưởng sát sườn tới quyền lợi của người dân và giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Chính vì tầm quan trọng và phạm vi tác động của Luật Đất đai rộng như vậy, nên ngay từ khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, chúng ta đã cảm nhận được sức nóng của dự thảo Luật lần này, tạo sức hút, sự quan tâm rất lớn của dư luận," Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Về bố cục dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều (Tăng thêm 02 chương, 23 điều so với Luật đất đai 2013). Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý các nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất. Các vấn đề về: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất và một số nội dung đặc thù tại địa phương.

Quang cảnh Hội nghị

Theo các đại biểu, Dự thảo Luật quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình. Đồng thời, dự thảo Luật có quy định xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp hộ gia đình đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho các thành viên trong hộ gia đình.

Theo Luật Đất đai 2013, việc quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận đã làm tăng tỷ lệ Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng, qua đó đảm bảo quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung, tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp Giấy chứng nhận chỉ có tên người chồng với đối tượng là hộ gia đình và đối tượng là vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều (khoảng 12 triệu Giấy chứng nhận đối). Nguyên nhân là do nguồn lực của Nhà nước để triển khai thủ tục cấp đổi còn hạn chế, người dân chưa nắm rõ các quy định của pháp luật để yêu cầu cấp đổi và từ chính quy định “việc cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu” của Luật Đất đai 2013 tại khoản 4 Điều 98 và được giữ nguyên tại Điều 143 khoản 4 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều này vô hình chung đã làm mất đi ý nghĩa của quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên của họ, tên vợ và họ, tên chồng.

Theo quy định của pháp luật về đất đai năm 2013 thì việc đăng ký đất đai là bắt buộc đối với cả người sử dụng đất và người quản lý đất, tuy nhiên việc cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất. Vì vậy, đối với các Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc có chung quyền sử dụng đất của vợ và chồng, nhưng Giấy chứng nhận chỉ ghi tên người chồng trong khi pháp luật không có cơ chế bắt buộc phải đổi Giấy chứng nhận dẫn đến tình trạng nhiều Giấy chứng nhận chưa được cấp đổi mang tên cả vợ và chồng.

Các đại biểu đề nghị cần mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất. “Có thể gọi họ là người sống cùng với người có đất bị thu hồi. Như vậy, chủ thể được hưởng bồi thường và hỗ trợ sẽ là người có đất bị thu hồi và người sống cùng với người có đất bị thu hồi. Chủ thể này cần ít nhất 3 điều kiện: Con dâu hoặc con rể, vợ hoặc chồng của người có đất bị thu hồi; Trực tiếp sử dụng đất mà bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ, chồng hoặc vợ là người có đất bị thu hồi; Thời gian sống cùng và trực tiếp sử dụng đất."

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, hiện việc thu hồi đất đang gây bất lợi cho nữ nhiều hơn nam. Nguyên nhân là do nhiều trẻ em gái và phụ nữ chưa kết hôn đang ở với cha mẹ, tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất “có quyền sử dụng đất chung” trong hộ gia đình của cha mẹ. 

Tuy nhiên, phụ nữ sau khi lấy chồng, về sống trong gia đình nhà chồng, họ không phải là người “có quyền sử dụng đất chung” với gia đình nhà chồng. Mặc dù họ có thể là người sử dụng đất chính. Ví dụ: bố mẹ chồng già yếu, chồng đi làm ăn xa, con dâu là người trực tiếp sử dụng đất cho các hoạt động như cày cấy, chăn nuôi, trồng trọt... trên đất mà hộ gia đình nhà chồng có quyền sử dụng đất hoặc con dâu là người tạo ra thu nhập chính cho gia đình bằng việc mở cửa hàng, bán tại nhà đất mà bố, mẹ chồng và chồng có quyền sử dụng.

Vì vậy, quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” tại khoản 2 Điều 89 đúng, nhưng chưa đủ để bảo đảm bình đẳng giới. Vì chủ thể được bồi thường là người có đất bị thu hồi, như vậy, thực tế chủ yếu là con dâu sống chung với gia đình nhà chồng - người trực tiếp sử dụng đất bị thu hồi - bị mất nguồn sinh kế, bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất.

KIM PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 

Ý kiến bạn đọc

Ý kiến góp ý