Bảo vệ màu xanh thành phố – Góc nhìn và giải pháp
Đăng ngày 12-12-2022 23:45, Lượt xem: 69

Sáng tôi đi làm dọc Trần Phú, chiều về dạo biển Mỹ Khê, cuối tuần thì đi Hòa Liên hay Sơn Trà ngắm cảnh, cứ gọi vậy chứ nơi nào cũng là sông, là biển Đà Nẵng cả, đẹp lung linh huyền ảo cả đêm lẫn ngày. Mỗi thường nhật, tôi thường phóng xe hay rảo bước dọc các con đường quanh thành phố, mường tượng nơi mà tôi có dịp chứng kiến từ khi sinh ra đến khi chạm ngõ ba mươi. Những năm 90, tôi ở cùng bố mẹ tại khu tập thể Bạch Đằng. Thời ấy, phía trước là Trần Phú còn sau là đoạn đường dài quang đãng dọc theo dòng sông Hàn mênh mông ôm trọn thành phố vào lòng.

Ấy thế mỗi lần giỗ dành tôi ăn, mẹ lại cho tôi – đứa con nít hiếu động, tò mò, bu lên cái cổng sắt cơ quan để ngắm nhìn đường phố và người qua lại. Ký ức gói gẹm từng ấy, tôi sinh ra và lớn lên ở giai đoạn giao thời, giữa lúc Quảng Đà đang còn ít xe cộ và di chuyển qua “Quận ba” bằng phà. Ôi cái thời mà con nít mới lên hai, lên ba có chút dấu ấn ký ức về thành phố của nó thuở ấy, đơn sơ mộc mạc nhưng vô cùng bình yên, trong lành.

Người ta nói đi thật xa để trở về đúng thật, tôi rời Đà Nẵng đi học ở Sài Gòn khoảng năm năm trời. Thời sinh viên, với tuổi trẻ nhiệt huyết, sự thúc giục bè bạn, tôi bắt đầu tham gia tình nguyện tại trại trẻ mồ côi hay phụ giúp nấu ăn cho các chùa. Mỗi lần đi xe buýt hay ngắm cảnh đường phố, tôi chứng kiến khía cạnh chưa đẹp của Sài Gòn là rác thải, là cống ô nhiễm, tắc đường hay triều cường cùng dòng nước bẩn mỗi chiều về.

Trở về Đà Nẵng, tôi thấy ngạc nhiên: thành phố đã quy hoạch đô thị rất đẹp, đến nỗi bạn bè của tôi khi ghé nơi đây phải thốt lên rằng: “Tao muốn ở Đà Nẵng sống” hay “Ôi đường phố không hối hả, không khí thật trong lành”. Tôi tình cờ có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến biển, Hoàng Sa. Những điều đó tiếp thêm động lực, thôi thúc tôi tiếp tục gắn bó, muốn đụng tay chân vào góp chút công sức nhỏ xây dựng thành phố từ dạo ấy.

Năm 2017, tôi rủ bạn ở Khánh Hòa tỉnh xa lên Sơn Trà như lời đồn “Có cây đa ngàn năm đẹp lắm”. Quê mùa thật, người Đà Nẵng mà thiếu khám phá, hiểu biết thua người ngoài, mà tôi nghĩ “Ừ thì lên cùng nó cho vui cuối tuần, nó sắp về quê hẳn, mùa hè nữa, rãnh mà”. Sơn Trà trình diễn bao thứ ngạc nhiên tầm mắt: Vùng biển xanh rì rào dưới chân đồi, những chiếc lá xanh ươm mát rượi, tiếng gió thổi se se giữa nắng dịu mùa hè hay tiếng chim hót ríu rít trên mái đầu. Điều mà làm tôi thích nhất không phải là tò mò đám đông, mà lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến cây đa xanh mát trên đỉnh núi ngàn năm tuổi hay sự xuất hiện của đàn khỉ. Đứa đầu đàn có khuôn mặt viền đỏ, đứa theo sau béo ụ, đứa cuối gầy tong teo đang chạy rụt rè, ồ ạt băng sang đường. Hôm ấy hoang sơ, chỉ có tôi, đứa bạn trên đoạn dốc vắng. Thế là con nhỏ nhất đàn di chuyển nhanh như sóc đến gần chỗ chúng tôi, hóa ra nó biết chúng tôi mở lòng, có bánh ngọt trên xe. Bạn tôi hỏi: “Ô khỉ kìa”. Tôi nhanh nhẩu: “À, ắt hẳn nó là vooc rồi!” Tôi kể với đứa bạn, vì có chút kiến thức về bài viết thư UPU quốc tế về loài khỉ Sơn Trà thời học trung học. Lúc đó, tôi và bạn hiếu kỳ cho chú vooc gầy gò ăn rồi bắt chuyện, nắm tay cười khúc khích, vì càng cho ăn nó càng hiếu kỳ. Những năm sau này, khi chứng kiến người ta cho vooc ăn rồi thấy ồ ạt tập trung ở chân núi đường Lê Văn Lương, tôi mới chợt hiểu ra việc cho vooc ăn là làm ảnh hưởng đến quá trình sống tự nhiên và chuỗi sinh học của loài khỉ, nên tự nhủ không bao giờ làm như thế nữa.

Bước xuống chân núi, mở ra trước mắt là Nhà trưng bày Hoàng Sa với bao kỷ vật về biển làm sục sôi lòng tự hào dân tộc. Tham quan ở đây thật không uổng phí, giúp ích cho việc nghiên cứu của tôi, và vé vào cũng miễn phí, tự do tạo thuận lợi cho người dân, du khách đều đến chiêm ngưỡng, học hỏi được. Bên ngoài bảo tàng phóng xa tầm mắt là những chiếc thuyền đang đỗ đung đưa, giữa lớp ánh sóng lấp lánh ánh vàng mặt biển xanh thẳm, chợt thấy Đà Nẵng của tôi đẹp vô cùng!

Thời gian sau đó, tôi có cơ hội biết nhiều đến các chương trình, ngày hội về môi trường qua bạn bè và các trang mạng xã hội.

Tháng 7/2018, tình cờ đọc được tin Nhóm tình nguyện “Một bức tranh-Nhiều hy vọng” ở Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng trên trang Facebook cần thành viên hỗ trợ cho hoạt động cuối tuần, tôi nhiệt tình đăng ký tham gia ngay. Đến nơi, tôi thấy các bạn nhanh nhẹn, huy động chỉ huy phân việc cụ thể, tập hợp thành từng nhóm để mỗi người mỗi tay nhưng đều được tham gia đầy đủ các hoạt động: Dọn dẹp vệ sinh môi trường cảnh quan xung quanh bệnh viên, Xem triển lãm tranh của các bệnh nhân, Giao lưu văn nghệ Hát cho bệnh nhân ung thư nghe, hỗ trợ phần ăn tối, tặng quà, trò chuyện với họ… Được biết, đây là chuỗi hoạt động định kỳ của nhóm phối hợp Hội doanh nhân Quận Hải Châu và cùng sự hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ và mạnh thường quân khác. Với tôi, các bạn trẻ không chỉ đến vì giấy chứng nhận, họ lui tới thường xuyên vì chính tình người, sự đồng cảm, sẻ chia. Thực sự trong một buổi chiều ngắn ngủi, tôi thấy mình đã làm được rất nhiều khía cạnh ý nghĩa không chỉ góp phần làm sạch môi trường mà còn giúp đỡ, tạo niềm vui cho rất nhiều bệnh nhân vượt qua nghịch cảnh bệnh tật.

Tháng 8/2019, tôi cùng một số bạn sinh viên Đại học Sư phạm lập nhóm về xây dựng workshop biểu tượng biển Đà Nẵng. Chúng tôi lấy ý tưởng là sản vật biển sẵn có như vỏ sò, ốc lễ, nghêu biển… ghép thành hình các sinh vật biển đang bị đe dọa bởi bao ni lông, rác thải nhựa dùng một lần. Bên cạnh hoạt động trưng bày, chúng tôi tham gia Lễ hội Môi trường biển Đà Nẵng 2019 và thu hút khách du lịch, người dân cùng hưởng ứng. Ấn tượng lớn nhất của tôi là trẻ em cũng tham gia tìm hiểu và rất vui, hòa mình vào không khí lễ hội âm nhạc, màu sắc, hình ảnh và quyên góp cho việc bảo vệ môi trường. Theo cá nhân tôi, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, nên tổ chức định kỳ và quảng bá sâu rộng hơn nữa vì du lịch Đà Nẵng cũng như du lịch biển gắn bó mật thiết với sự bảo tồn và phát triển biển. Tôi cho rằng hoạt động này cũng góp phần tạo ra hình thức giáo dục thiết thực, sinh động “Phòng hơn Chữa bệnh” và thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là lớp trẻ, thế hệ tương lai sẽ xây dựng, tiếp nối phát triển thành phố, với trực quan sinh động, gần gũi nhưng lại vừa gắn với vị trí du lịch.

Năm 2019, tham gia cùng bạn hoạt động nhặt rác thải dọc bở biển Xuân Thiều do Đoàn Thanh niên thành phố tổ chức “Biển Đà Nẵng nói không với rác thải”, đổi rác lấy chai thủy tinh và túi vải cũng là đầy hoạt động ý nghĩa.

Công tác trong ngành giáo dục, tôi có cơ hội được gặp gỡ nhiều bạn trẻ. Cùng năm 2019, khi nghe tin tức về việc Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức “Tuần lễ Ngoại giao khí hậu Châu Âu” với chủ đề “Tôi hành động vì hành tinh của mình”, tôi hăng hái đăng ký. Khi đến nơi, tôi rất ngạc nhiên khi hội thảo thu hút đông kín chỗ ngồi, với nhiều chuỗi hoạt động, đáng nhớ là mỗi thành viên đều ghi dấu trong tay một chiếc lá về giải pháp bảo vệ môi trường của ý kiến góp ý của mỗi cá nhân rồi dán lên bảng standee hình chiếc cây và có câu chuyện xây dựng về hệ thống năng lượng mặt trời tại trường tiểu học Võ Thị Sáu. Tại hội thảo, các diễn giả cũng như sinh viên đều có quyền thẳng thắn nêu quan điểm, trao đổi về vấn đề nóng là biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại Việt Nam, Đà Nẵng. Đây là một hội thảo gây ấn tượng mạnh đối với cá nhân tôi.

Song tôi đau lòng khi chính mình đứng giữa biển nước vào trận lũ 10/2022 vừa rồi, và những biến đổi khí hậu từ năm 2020 đến nay. Có phải lúc này chúng ta cần chung tay hành động gì đó cho thành phố? Về cá nhân, với kiến thức, kinh nghiệm nhỏ bé của mình, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

+ Thứ nhất, về cơ chế, thành phố cần có quy hoạch đô thị song song với quy hoạch về cảnh quan môi trường và bảo vệ môi trường vì lượng cây xanh ở khu vực ven biển và cây xanh một số tuyến đường lớn còn độ phủ thấp, hạn chế sự xâm thực của nước biển, tạo bóng mát và lọc không khí.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, khen thưởng định kỳ với cá nhân, tổ chức có đóng góp trong việc bảo vệ môi trường và chế tài nghiêm khắc, việc giám sát chặt chẽ đối với việc phân loại rác, vứt rác đúng nơi quy định.

+ Thứ hai, về góc độ giáo dục, đây không phải là chủ đề mới, song bảo vệ môi trường còn chủ yếu được giảng dạy và tuyên truyền trong sách vở, do đó, việc giáo dục ý thức và phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, phòng, chống ô nhiễm nên được thực hiện từ cấp mẫu giáo với nền tảng là các em rất dễ tiếp thu, thích nghi các hoạt động ngoại khóa như trồng cây gây rừng, trò chơi đố vui, chương trình văn nghệ chủ đề môi trường, ít nặng nề về lý thuyết, góp phần tạo sân cho trẻ em vừa học vừa chơ, vừa có tác động lớn từ thế hệ tương lai đối với việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Ngoài ra, đối với lớp thế hệ học sinh trung học và sinh viên, thành phố cũng nên tổ chức nhiều hoạt động workshop, diễn đàn trao đổi, cuộc thi trực tuyến… để thu hút các em hứng thú thực sự, cảm thấy hữu ích thiết thực tham gia và đóng vai trò nhân tố tuyên truyền cho cộng đồng và du khách.

+ Thứ ba, về hình thức, hiện nay trên cơ sở Luật thông tin và truyền thông, Luật an ninh mạng, chính quyền thành phố có thể vận dụng những quy định hợp pháp và cho phép làm để xây dựng trang thông tin tuyên truyền về môi trường thành phố về sông, biển, núi, rừng và tác hại của ô nhiễm... trên Fanpage, Facebook, chữ điện tử với hình ảnh, video trực quan sinh động, hoạt động trao đổi tương tác, đố vui tìm hiểu, kết hợp với quy hoạch mô hình, tour du lịch cộng đồng, du lịch thiên nhiên như du lịch thể thao biển, thuyền du lịch trên sông Hàn, cộng đồng đồng bào Cơ Tu, du lịch cắm trại ở Hòa Liên, du lịch ngắm và bảo tồn rêu biển ở Hòa Hiệp, du lịch bảo tồn Sơn Trà, Bà Nà, du lịch dọc biển Nguyễn Tất Thành… Nhân rộng mô hình trồng rau xanh tại nhà, tổ dân phố như tôi sống cũng là một trong những giải pháp.

Sau này, khi cơn bão Covid-19 qua đi, tình cờ có dịp đi ngang qua biển, tôi lại mỉm cười tự hào khi nhìn thấy mô hình “Chú cá bống ăn rác thải nhựa” tại khu vực biển Lăng Ông, với màu xanh hy vọng. Đâu đó chợt thấy hình ảnh mình trong đấy và thêm yêu Đà Nẵng, một thành phố hướng tới tương lai tươi đẹp, đáng sống.

PHẠM THÙY TRANG
(Đại học Đà Nẵng)

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT