Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Đăng ngày 12-12-2022 00:16, Lượt xem: 497

Bằng những hành động thiết thực như thu gom rác thải nhựa, tái chế các sản phẩm từ vải thừa,… nhiều nhóm hoạt động đã chung tay để thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của rác thải gây ô nhiễm, góp phần lan tỏa thông điệp sống xanh.

Thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường

“Khi mỗi người thay đổi suy nghĩ về việc bảo vệ môi trường không phải là công việc của riêng cá nhân nào mà chính là của tất cả chúng ta và ai cũng có thể góp sức thì mỗi người sẽ là một “chiến sĩ” bảo vệ môi trường”. Đó là lời chia sẻ của chị Mai Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng (Cormis) khi nói về dự án tái chế dành cho phụ nữ khuyết tật.

Hơn 2 năm triển khai dự án tái chế vải thừa dành cho phụ nữ khuyết tật thành phố, Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và nhiều đơn hàng của các tổ chức cá nhân quan tâm đến các sản phẩm. Qua bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ khuyết tật đã cho ra đời các sản phẩm như: túi xách, dây buộc, các vật phẩm trang trí… Mỗi sản phẩm tái chế không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Tham gia và trở thành thành viên tích cực tại đây, chị Đặng Thị Bé (SN 1973, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cảm thấy rất vui vì vừa đóng góp được phần nhỏ bé cùng mọi người chung tay bảo vệ môi trường vừa cải thiện được đời sống.

“Đôi chân bị khuyết tật từ nhỏ và thị giác kém không thể nhìn rõ xung quanh nên tôi đã từng rất tự ti, cảm thấy mình như gánh nặng của gia đình. Đến với Cormis, tôi được mọi người hỗ trợ để có công việc ổn định. Bản thân tôi biết may vá, Cormis đã sắp xếp để tôi được tham gia chương trình tái chế. Đây là hoạt động làm các sản phẩm thủ công tái chế từ vải bỏ đi, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp người khuyết tật như tôi có thêm thu nhập. Hiện nay, mỗi tháng, bên cạnh số tiền kiếm được từ việc sửa áo quần tại nhà, tôi có thêm hơn 3 triệu đồng khi tham gia tái chế. Số tiền đó đã giúp cuộc sống của tôi được cải thiện hơn nhiều”, chị Bé tâm sự.

Các chị em phụ nữ khuyết tật thuộc Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng tham gia hoạt động tái chế vải thừa. Ảnh: NVCC

Theo chị Mai Thị Dung, mong muốn lớn nhất là dự án sẽ giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng về sự đóng góp của người khuyết tật đối với hoạt động bảo vệ môi trường. “Bản thân nhiều phụ nữ khuyết tật vẫn mang trong mình sự tự ti vì không làm được những công việc của người bình thường. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động nêu trên sẽ giúp họ tự tin hơn về bản thân, góp sức mình trong các hoạt động có ích cho cộng đồng”, chị Dung nói.

Chung tay của giới trẻ

Không chỉ vậy, sự tham gia, hưởng ứng của giới trẻ trong các biện pháp bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng. Gần 2 năm đi vào hoạt động, định kỳ Chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, nhóm Green Danang do chị Lê Thị Phương Thảo (SN 1993) làm trưởng nhóm cùng 25 tình nguyện viên tổ chức chương trình “Đổi rác lấy quà”.

Tham gia buổi đổi quà, bà Huỳnh Thị Hương (SN 1971) phường Chính Gián (quận Thanh Khê) cảm thấy rất thú vị. Bà cùng các cháu tại nhà đã tích góp được một túi lớn gồm vỏ chai nhựa và bìa giấy để mang đến chương trình.

“Tôi thấy chương trình này rất ý nghĩa. Các bạn trẻ thực hiện chương trình có ý thức bảo vệ môi trường, những người có tuổi như mình cần phải ủng hộ nhiệt tình. Mặc dù tôi có thể gom rác thải nhựa, giấy vụn để bán ở nhà cho tiện, nhưng tôi lại thích đổi rác tái chế để lấy cây xanh hoặc các vật dụng tái chế hơn. Đồng thời giáo dục cho các cháu về ý thức bảo vệ môi trường, làm đẹp thành phố”, bà Hương chia sẻ.

Chị Lê Thị Phương Thảo (áo xanh, Trưởng nhóm Green Danang cùng các tình nguyện viên trong chương trình đổi rác lấy quà. Ảnh: NVCC

Tích cực cùng các tình nguyện viên khác hướng dẫn mọi người tham  gia hoạt động đổi rác, Vĩnh Huyền Tôn Nữ Bảo Ngọc (SN 2005, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cảm nhận được sự thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua mỗi chương trình.

“Trước đây, em từng nghĩ rằng phải làm điều gì đó rất đặc biệt to lớn thì mới mang lại sự thay đổi trong công tác bảo vệ môi trường. Nhưng bây giờ, em hiểu rằng những hành động dù nhỏ nhất như không dùng đồ nhựa một lần, thu gom bì giấy để tái chế là đang bảo vệ môi trường. Ở đây, cả những em nhỏ cũng có thể mang những túi vỏ lon đến tham gia, bất cứ ai, ở mọi độ tuổi đều có thể chung tay làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều đó đã thôi thúc em tham gia hoạt động này thường xuyên”, Ngọc chia sẻ.

Các em học sinh tích cực tham gia hoạt động tái chế do nhóm Green Danang tổ chức. Ảnh: NVCC

Đến nay, qua 4 lần tổ chức, Green Danang đã thu gom được gần 4 tấn rác thải tái chế. Cùng với sự đồng hành của nhiều bạn trẻ, hoạt động của nhóm đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các đối tác với các sản phẩm thân thiện môi trường như: chậu cây, túi sách, khung ảnh,… làm từ các vật dụng tái chế để gửi tặng người tham gia hoạt động đổi rác.

“Để chương trình “Đổi rác lấy quà” lan tỏa hơn nữa, chúng tôi sẽ chủ động liên hệ với các trường học để hướng dẫn các em học sinh việc thu gom vỏ hộp sữa, góp phần thay đổi nhận thức của nhiều em nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thông qua phần mềm GreenPoints giúp tích điểm khi tham gia thu gom rác, nhiều người có thể đổi lấy quà hoặc được quy đổi để đóng góp cho các dự án vì cộng đồng. Từ đó, việc thu gom rác sẽ tạo nên những sự thay đổi lớn và ý nghĩa hơn”, chị Lê Thị Phương Thảo chia sẻ.

Trong khi đó, từ ý tưởng về một mô hình thu gom pin cũ, Đoàn Thanh niên phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đã cho ra đời những “ngôi nhà của pin” thu hút nhiều người dân hưởng ứng, tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là các em nhỏ.

Sáng kiến này đã nhận được nhiều sự hưởng ứng tích cực của các thầy cô giáo và các em học sinh trên địa bàn phường. Cô Huỳnh Thị Hiền Vũ, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Hiến (phường Hòa Hải) cho rằng, sáng kiến “ngôi nhà của pin” không chi nâng cao ý thức về phân loại rác thải mà còn là hành động giáo dục về bảo vệ môi trường cho các em học sinh. “Nhiều em học sinh cảm thấy rất tích thú khi tham gia mang những viên pin đã qua sử dụng đến bỏ tại “ngôi nhà của pin”. Từ mô hình này, chúng tôi cũng giáo dục các em học sinh có ý thức hơn trong việc phân loại rác thải, góp phần bảo vệ môi trường”, cô Vũ cho biết.

Theo Bí thư Đoàn Thanh niên phường Hòa Hải Nguyễn Nhớ Hoài, những ngôi nhà này đã góp phần rất lớn giúp nhiều người dân ý thức, gần như không còn tình trạng vứt pin vào rác thải sinh hoạt mà để riêng mang đến “ngôi nhà của pin”.

“Sau khi thu gom, lượng pin, rác thải điện tử này sẽ được đưa đến các nơi thu gom tập trung để chuyển đến nơi chuyên xử lý. Bên cạnh đó, trong thời gian đến, chúng tôi sẽ có thêm nhiều dự án nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường”, anh Hoài cho biết.

Với những hành động thiết thực, nhiều người trẻ đã góp phần nâng cao nhận thức, lan tỏa thông điệp sống xanh, chung tay cùng Đà Nẵng xây dựng thành phố môi trường.

PHÙNG THỊ XUÂN HẬU
(Báo Đà Nẵng)

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT