Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2021
Đăng ngày 11-11-2021 10:46, Lượt xem: 170

Quy định về phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thuỷ nội địa; Giảm thuế GTGT với nhiều hàng hóa, dịch vụ; Sửa đổi quy định điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp FDI; Hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2021.

Quy định về phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thuỷ nội địa

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.

Theo đó, Cảng vụ đường thủy nội địa bao gồm Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Giao thông vận tải), có phạm vi quản lý như sau:

- Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bao gồm các cảng, bến (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động, cụ thể như sau:

+ Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy nội địa quốc gia;

+ Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia;

+ Cảng, bến, khu neo đậu có vùng đất, vùng nước vừa trên đường thủy nội địa quốc gia và đường thủy nội địa địa phương;

+ Cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa quốc gia;

+ Cảng, bến, khu neo đậu khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định.

- Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải bao gồm các cảng, bến (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động, cụ thể như sau:

+ Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy nội địa địa phương;

+ Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương;

+ Cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa địa phương;

+ Cảng, bến, khu neo đậu khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định.

Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021 và  thay thế Thông tư số 83/2015/TT-BGTVT ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Giảm thuế GTGT với nhiều hàng hóa, dịch vụ

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021, giảm thuế GTGT đối với các hàng hóa, dịch vụ sau:

- Dịch vụ vận tải, gồm: vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, vận tải đường bộ khác; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

- Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm này không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất - kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế GTGT được áp dụng như sau: doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT; doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức tỉ lệ % để tính thuế GTGT.

Sửa đổi quy định điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

Có hiệu lực từ ngày 30/11/2021, Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 14 về điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại như sau: “Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo mẫu, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh".

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi Điểm c Khoản 1 Điều 15 về điều kiện nuôi, trồng các loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES vì mục đích thương mại. Theo đó, các loài động vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES thuộc các lớp thú, chim, bò sát lần đầu tiên đăng ký nuôi tại cơ sở phải được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản về việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên theo trình tự như sau:

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký mã số cơ sở, Cơ quan cấp mã số theo quy định tại Nghị định này có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến Cơ quan khoa học CITES Việt Nam.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan cấp mã số, Cơ quan khoa học CITES Việt Nam có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với nội dung xác nhận ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng của việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên.

Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 71/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/5/2014.

Cơ sở thực hiện xã hội hóa (gọi tắt là Cơ sở) thành lập trước ngày 22/07/2016, có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

-  Cơ sở được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho thời gian còn lại theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện theo các quyết định của Thủ tướng trong từng thời kỳ bao gồm: Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008; Quyết định 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013;  Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016.

- Cơ sở không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các Quyết định trên thì thực hiện kê khai bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu (nếu có), tự tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu đến thời điểm đáp ứng điều kiện tại các Quyết định nêu trên.

Từ ngày 2/11/2021, Cơ sở chưa nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm thời chưa thu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế chưa nộp và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (nếu có).

Thông tư số 71/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.

Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp FDI

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 15/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2021 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, Thông tư số 15/2021/TT-NHNN bổ sung khoản 1b vào sau khoản 1a Điều 15 về thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu; Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đầu tư nước ngoài), doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng: Đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đề nghị cấp phép theo cơ chế một cửa quốc gia thì gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 15/2021/TT-NHNN đến Cổng thông tin một cửa quốc gia để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, Thông tư số 15/2021/TT-NHNN cũng bổ sung Khoản 5 vào Điều 15 hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo cơ chế một cửa quốc gia.

Thông tư số 15/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 20/11/2021.

Hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng

Từ ngày 01/11/2021, chi phí bảo trì công trình xây dựng được thực hiện theo Thông tư số 14/2021/TT-BXD về hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.

Theo Thông tư số 14/2021/TT-BXD, chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) nhân với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị công trình; trong đó: Chi phí xây dựng và chi phí thiết bị công trình xác định căn cứ giá trị quyết toán của công trình và điều chỉnh về mặt bằng giá tại thời điểm lập kế hoạch bảo trì. Trường hợp chưa có giá trị quyết toán của công trình thì chi phí xây dựng và chi phí thiết bị xác định theo suất vốn đầu tư của công trình tương ứng do cơ quan có thẩm quyền công bố; Định mức tỷ lệ phần trăm (%) chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm xác định theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 14/2021/TT-BXD.

Trường hợp sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên thì dự toán chi phí sửa chữa công trình xác định theo quy định tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng.

Trường hợp sửa chữa công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng thì dự toán chi phí sửa chữa công trình xác định như sau: Chi phí sửa chữa được xác định trên cơ sở khối lượng và đơn giá sửa chữa công trình.

Trường hợp sửa chữa định kỳ công trình thì khối lượng các công tác sửa chữa được xác định căn cứ thiết kế sửa chữa, kế hoạch sửa chữa và quy trình bảo trì của công trình xây dựng được phê duyệt. Trường hợp sửa chữa đột xuất công trình thì khối lượng các công tác sửa chữa được xác định căn cứ tình trạng công trình thực tế cần sửa chữa, hồ sơ thiết kế sửa chữa và các yêu cầu khác có liên quan.

Đơn giá sửa chữa công trình được xác định từ định mức dự toán sửa chữa và giá các yếu tố chi phí hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện.

Thông tư số 14/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2021 và thay thế Thông tư số 03/2017/TT-BXD ngày 16/3/2017 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác