Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2022
Đăng ngày 14-02-2022 16:36, Lượt xem: 146

​4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi; Tăng mức hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình; Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong ngành giáo dục; Khám sức khỏe cho sinh viên ít nhất 1 lần/năm học… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2022.

4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi

Có hiệu lực từ ngày 02/02/2022, Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT của quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm:

- Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: Khắc phục lỗi của sản phẩm áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.

- Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.

- Tái xuất: Áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.

- Tiêu hủy: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.

Tăng mức hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg tăng mức hỗ trợ cho NLĐ đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, cụ thể:

- Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài. Mức hỗ trợ: từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng/trường hợp.

- Hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Mức hỗ trợ: 40.000.000 đồng/trường hợp.

- Trường hợp người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng. Mức hỗ trợ: từ 7.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng/trường hợp.

- Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Mức hỗ trợ: từ 7.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng/trường hợp.

- Trường hợp có tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hỗ trợ người lao động chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc: Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50.000.000 đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100.000.000 đồng/vụ việc. Hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời cho người lao động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bố trí chỗ ở:

Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/2/2022 và thay thế Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình

Từ 15/02/2022, doanh nghiệp tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Theo đó, xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

Nghị định số 111/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 12 - Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.

Hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong ngành giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 41/2021/TT-BGDĐT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục tại chính quyền địa phương.

Theo đó, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 03 năm đến 05 năm (không bao gồm thời gian tập sự của công chức, viên chức). Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi cụ thể như sau:

- Vị trí công tác quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị gồm: Phân bổ ngân sách; kế toán; mua sắm công; thẩm định, kiểm tra và quyết toán kinh phí.

- Vị trí công tác trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc về GD&ĐT gồm: Tham mưu, tổ chức ra đề thi, tổ chức thi, chọn học sinh giỏi, tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ; phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cho các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, phân bổ chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài theo các đề án của Chính phủ; thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân; thẩm định sách giáo khoa, giáo cụ giảng dạy, các vật tư kỹ thuật khác phục vụ giảng dạy, nghiên cứu…

- Vị trí công tác về tổ chức cán bộ gồm: Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; công nhận hiệu trưởng, hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường; tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức; tổ chức thi nâng ngạch công chức; tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo…

Thông tư Thông tư số 41/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ 14/2/2022.

Khám sức khỏe cho sinh viên ít nhất 1 lần/năm học

Nội dung nổi bật trên được quy định tại Thông tư số 33/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư số 33/2021/TT-BYT nêu rõ yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên y tế trường học. Cơ sở giáo dục bố trí phòng riêng ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người học; có trang thiết bị tối thiểu gồm giường khám bệnh, tủ đựng trang thiết bị y tế, tủ đựng thuốc và một số thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cấp cứu theo quy định của pháp luật.

Cơ sở giáo dục bố trí nhân viên y tế trường học trình độ chuyên môn y tế từ trung cấp trở lên, được đào tạo, tập huấn về sơ cứu, cấp cứu và cập nhật kiến thức chuyên môn y tế. Trường hợp nhân viên y tế trường học trực tiếp thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được nhân viên y tế trường học thì hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc với cá nhân đủ tiêu chuẩn quy định để thực hiện công tác y tế trường học.

Bên cạnh đó, Thông tư số 33/2021/TT-BYT quy định rõ việc chăm sóc sức khỏe người học. Tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục; Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực; Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.

Thông tư số 33/2021/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2022.

KHÁNH VÂN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác