Tập trung chuẩn bị chu đáo cho công tác tiêm vắc-xin toàn thành phố
Đăng ngày 07-09-2021 20:56, Lượt xem: 3214

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố chiều 7-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng cho biết, sắp tới Đà Nẵng sẽ được tiếp nhận thêm khoảng 400.000 liều vắc-xin và dự kiến sẽ tiêm đại trà cho người dân thành phố ngay trong tháng 9 này. Vì vậy, công tác tiêm chủng cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm và phải tập trung tổ chức thực hiện thật tốt, đạt hiệu quả cao nhất đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch và mong đợi của người dân.

Trong kỳ báo cáo ngày 7-9, thành phố ghi nhận 34 ca mắc Covid-19, trong đó đáng chú ý là 01 ca bệnh tại Chung cư Phong Bắc, Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ có triệu chứng đến khám TTYT Cẩm Lệ. Ngay khi nhận thông tin từ ca bệnh này, các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà đã khẩn trương ngay những biện pháp truy vết điều tra dịch tễ, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan. Sở Y tế cũng đã kiểm tra yêu cầu thực hiện một số biện pháp khử khuẩn, di dời các hộ dân, phun khử khuẩn, yêu cầu lắp đặt camera giám sát các tầng trong khu chung cư…

Trước tình hình  các điểm “nóng” lây nhiễm tại một số kiệt hẻm phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, Sở Y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt xuống trực tiếp tổ chức thực hiện các biện pháp mạnh tại khu vực này. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thuỷ, tại đây sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 2 ngày/lần, lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình chứ không phải mẫu gộp 5 hay gộp 10 như bình thường và sẽ tổ chức lấy mẫu ngay tại nhà, ưu tiên xét nghiệm để có kết quả sớm nhất. Kèm theo đó là việc di dời, giãn mật độ dân cư, chia nhỏ để kiểm soát thật tốt, tránh những hoạt động tiếp xúc dẫn đến lây nhiễm chéo.

Nếu tiến hành quyết liệt các biện pháp mạnh, với sự đồng thuận của người dân, chúng ta sẽ sớm kiểm soát, ngăn chặn được quá trình lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, Bí thư Thành uỷ lưu ý tại một số khu vực chưa được tuần tra, kiểm soát chặt nên người dân còn đi lại khá thoải mái từ vùng này sang vùng khác, làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương phải đề cao quyết tâm giữ vững và ngày càng mở rộng các vùng xanh để thành phố mau chóng trở lại trạng thái bình thường mới.

Tại cuộc họp, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng cho biết, sắp tới Đà Nẵng sẽ được tiếp nhận hai đợt với tổng cộng khoảng 400.000 liều vaccine nữa dự kiến sẽ tiêm đại trà cho người dân thành phố, cố gắng phấn đấu để ngay trong tháng 9 này có thể cơ bản bao phủ được các đối tượng thuộc diện tiêm chủng của thành phố được tiêm ít nhất mũi 1. Vì vậy, công tác tiêm chủng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cần được tập trung tổ chức thật tốt, đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch và mong đợi của người dân..  Cần tuyên truyền đầy đủ để nhân dân hiểu rõ, những loại vắc-xin được Bộ Y tế cho phép nhập và tiêm cho người dân đều là những vắc-xin đã được khẳng định về chất lượng, hiệu quả ngăn ngừa vi rút Corona và “vắc- xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”. Người dân- “chiến sĩ” phòng chống dịch cần được trang bị “vũ khí” hiệu quả để bảo vệ mình và để “chống dịch như chống giặc”. Tiêm vắc- xin không chỉ là một biện pháp chống dịch mà còn là quyền lợi thiết thực chính đáng của người dân. Càng sớm “bao phủ” vắc-xin rộng rãi cho người dân thì thành phố sẽ càng sớm trở lại cuộc sống bình thường. Các địa phương khẩn trương lập danh sách những người  trong độ tuổi tiêm chủng và phối hợp cùng lực lượng y tế  tổ chức chu đáo, an toàn công tác tiêm vắc xin. Các đối tượng thuộc nhóm ngành nghề dịch vụ, lực lượng dân quân, bảo vệ, tổ covid cộng đồng, ban điều hành tổ dân phố … cần được quan tâm ưu tiên tiêm vắc-xin

Trên cơ sở tình hình và kết quả phòng chống dịch của thành phố, sắp tới sẽ xem xét để mở dần những hoạt động tuy chưa thật thiết yếu nhưng lại hết sức quan trọng đối với người dân như dịch vụ như sửa chữa xe máy, sửa nhà ở trước mùa mưa bão, cung cấp sách, thiết bị phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến, cung cấp đường truyền internet …

Ban chỉ đạo của thành phố cũng hết sức lưu ý đến công tác hỗ trợ người dân và yêu cầu các địa phương cơ sở tiếp tục rà soát các trường hợp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; ngoài các quy định chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tiếp tục đề xuất những đối tượng cần hỗ trợ để thành phố xem xét giải quyết. Những kiến nghị, nhu cầu cần thiết, quan trọng của người dân trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách cấp độ cao cũng cần được các địa phương, nhất là cấp cơ sở linh hoạt xử lý sớm, phù hợp  nhưng phải với nguyên tắc bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

LÊ HOA

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác