Không lơ là, chủ quan, tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác
Đăng ngày 01-12-2022 08:23, Lượt xem: 241

Chiều 30-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Ngoại giao vaccine. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng dự Hội nghị. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tới trụ sở UBND một số tỉnh, thành phố cùng các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị hôm nay nhằm nhìn lại những việc đã làm được cũng như chưa làm được thời gian qua, xác định nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để không chỉ áp dụng cho công tác ngoại giao vaccine mà tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế, triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, nhằm tận dụng và phát huy hiệu quả mọi cơ hội, tiềm lực và các công cụ phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vaccine. ẢNH: VGP

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo triển khai Chiến lược vaccine, trong đó ngoại giao vaccine là một trong ba trọng tâm. Việc triển khai công tác ngoại giao vaccine đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia trực tiếp của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, sự vào cuộc khẩn trương, đồng bộ của các bộ, ngành, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, sự ủng hộ, đồng lòng của doanh nghiệp và nhân dân, chiến dịch ngoại giao vaccine đã được triển khai quyết liệt, thần tốc, thành công vượt kỳ vọng, được cộng đồng quốc tế và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã có hơn 130 cuộc điện đàm, tiếp xúc, trao đổi, gửi hơn 100 thư tới Lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và các tập đoàn; Bộ trưởng và Lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, các bộ, ngành cũng đã có rất nhiều cuộc trao đổi, điện đàm để tiếp cận, vận động vaccine.

Tổ Công tác của Chính phủ về Ngoại giao vaccine, dưới sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên và trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, đã làm tốt công tác tham mưu và tổ chức triển khai hoạt động ngoại giao vaccine với tinh thần khẩn trương, hiệu quả và trách nhiệm cao.

Nhờ đó, đến hết năm 2021, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 192 triệu liều vaccine. Đến tháng 9/2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vaccine tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23 nghìn tỷ đồng).

Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2 nghìn tỷ đồng). Cùng với đó, Việt Nam đã kịp thời tiếp cận, vận động, nhập khẩu các loại thuốc điều trị mới nhất để phục vụ nhu cầu điều trị trong nước.

Về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, Việt Nam thúc đẩy Tập đoàn AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD phát triển lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong 05 nước được WHO công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chủ trì điểm cầu Đà Nẵng

Chiến dịch ngoại giao vaccine đã hết sức thành công, cùng với chiến dịch tiêm chủng đã giúp "xoay chuyển tình thế", đưa Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia "đi sau về trước" trong triển khai tiêm chủng vaccine, một trong những quốc gia quyết định chuyển chiến lược từ ứng phó sang chủ động thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất ở khu vực. Từ một nước có tỷ lệ tiêm nằm trong số các nước thấp nhất khu vực, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng tiêm, tốc độ tiêm và tỉ lệ bao phủ vaccine cao hàng đầu thế giới.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế cho rằng, thành công của công tác ngoại giao vaccine có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt. Thành công của ngoại giao vaccine và Chiến lược vaccine là điều kiện tiên quyết để nước ta chuyển sang thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực là do đã sớm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa để phục hồi và phát triển kinh tế. Nhờ đó đã tiếp tục truyền tải hình ảnh về một đất nước Việt Nam kiên cường, ý chí, đoàn kết, tương thân tương ái, với những “sức mạnh mềm” được bạn bè quốc tế nể phục...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến thời điểm này, chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn, ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao đóng góp của ngành Ngoại giao trong thực hiện ngoại giao vaccine, đóng góp vào thành công của chiến lược vaccine và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ở thời điểm ban đầu, khó khăn của chúng ta là có tiền và chấp nhận chịu mọi rủi ro khi mua vaccine nhưng vẫn không có được vaccine do tiếp cận vaccine không bình đẳng ở thời điểm đó. Tháng 5/2021, chúng ta mới nhận được lô vaccine đầu tiên từ COVAX nhưng đến tháng 10/2021, chúng ta đã đã có khoảng 97,5 triệu liều vaccine và đây là thành công lớn nhờ đưa ra chiến lược vaccine rất kịp thời gồm 3 thành tố là quỹ vaccine, ngoại giao vacccine và chiến dịch tiêm chủng.

Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy và mở rộng hội nhập và đối ngoại có hiệu quả.

Thủ tướng cũng nêu rõ, việc kiểm soát được dịch bệnh có những nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng quan trọng nhất là chúng ta đã đề ra chiến lược vacicne phù hợp, đúng đắn, hiệu quả. Đồng thời, chỉ ra 6 nguyên nhân để thực hiện thành công hoạt động ngoại giao vaccine và 6 bài học kinh nghiệm từ hoạt động ngoại giao vaccine.


Thủ tướng Phạm Minh Chính và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai công tác ngoại giao vaccine. ẢNH: TTXVN

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác. Phải tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine; đẩy mạnh tiêm chủng; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao để làm chủ công nghệ sản xuất vaccine.

Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Ngoại giao tiếp tục phát huy kết quả đạt được, xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp do các biến động kinh tế thế giới. Vừa qua, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có các cuộc làm việc với các cơ quan đại diện thương mại và đại diện ngoại giao Việt Nam.

Dịp này, Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, vất vả của ngành Ngoại giao, các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài trong phòng, chống dịch và thực hiện ngoại giao vaccine với việc phải xa gia đình, người thân; đánh giá cao các đồng chí có đóng góp quan trọng trong công tác ngoại giao vaccine. Thủ tướng gửi đến các cán bộ và nhân viên Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài lời chúc sức khoẻ, thành công và hạnh phúc.

HỒNG QUÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT