Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát thu gom và xử lý nước thải
Đăng ngày 10-09-2018 23:18, Lượt xem: 316

Khắc phục ô nhiễm môi trường tại các bãi tắm và khu vực ven biển phía đông, tình trạng nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng và thiếu nước sinh hoạt là hai trong số nhiều nhóm vấn đề được thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Thường trực HĐND thành phố dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung ngày 10-9. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Lê Thị Thái Dương.

Phiên họp thường kỳ tháng 9 của Thường trực HĐND thành phố

Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Tô Văn Hùng cho biết tình trạng nước thải tràn qua các cửa xả gây ô nhiễm môi trường xảy ra không chỉ vào ngày mưa mà cả ngày nắng. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do tại một số cửa xả không có van lật, cát bên ngoài bồi lắng làm cho rác bị ứ đọng. Dọc khu vực đường Hoàng Sa - Trường Sa vẫn còn hệ thống thu gom được đầu tư từ dự án cũ và hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cát tràn vào và chiếm phần lớn diện tích bên trong các đường ống. Đường ống bên trong tại một số khu vực trên tuyến đường này cũng bị bể, sụt lún dẫn đến nước không thoát được, trong khi đó khu vực đầu tuyến hầu như không có nước. Bên cạnh đó, kiểm tra tại hố thu gom của một số nhà hàng ven biển cho thấy có tình trạng dầu mỡ và thức ăn thừa từ các nhà hàng này thải ra chảy tràn về các trạm bơm và gây tắt nghẽn hệ thống đường ống. Ngoài ra, các công trình xây dựng trong quá trình thi công phần ngầm bơm nước chưa qua xử lý đổ vào hệ thống thu gom nước thải làm tăng đột biến lượng nước thải tại khu vực, dẫn tới tình trạng quá tải của hệ thống và gây tắc nghẽn hệ thống thu gom nước.

Từ thực tế đó, Ban Đô thị HĐND thành phố kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thu gom nước thải ven biển. Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các cửa xả như bổ sung hệ thống lượt rác, van lật tại các cửa xả Mỹ An, Mỹ Khê, Furama…; sớm rà soát, khắc phục tình trạng đường ống thoát nước bị bể hoặc sụt lún và kiểm tra thực trạng một số trạm bơm đang hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, thực hiện các giải pháp giám sát, kiểm soát việc tuân thủ các quy định liên quan đến thu gom và xử lý nước thải của các cơ sở kinh doanh một cách đồng bộ.

Đề cập đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng xảy ra gần đây trên địa bàn thành phố, ông Tô Văn Hùng thông tin cho hay, từ ngày 31-8 đến 5-9, độ mặn thường xuyên của nguồn nước thô tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ dao động ở mức 260 đến 2.000 mg/l, cao nhất là 2.019 mg/l vào lúc 9h00 ngày 5-9, nghĩa là nhiễm mặn gấp 10 lần so với quy chuẩn. Để đảm bảo nguồn nước thô, Công ty CP cấp nước Đà Nẵng phải lấy nước tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ và bơm nước thô từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch. Tuy nhiên, công suất của Trạm bơm này chỉ đáp ứng được 70% công suất cấp nước hiện nay dẫn đến tình trạng không đủ lượng nước thô để xử lý. Lượng nước sạch cấp vào mạng lưới giảm 50.000-70.000m3/ngày dẫn đến khu vực cuối nguồn các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu nước rất yếu và tình hình nhiễm mặn khả năng sẽ còn kéo dài.

“Mặc dù thành phố đang triển khai đồng loạt nhiều dự án như giai đoạn 1 Dự án nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ, Nhà máy nước Hòa Trung, chủ trương xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, tuy nhiên, từ nay đến 2020, nếu không có những giải pháp mang tính căn cơ và quyết liệt, khả năng sẽ kéo dài tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho thành phố”, ông Tô Văn Hùng cảnh báo.

Trên cơ sở đó, Ban Đô thị kiến nghị UBND thành phố có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét việc điều tiết hoạt động của các nhà máy thủy điện để đảm bảo ổn định nguồn nước sinh hoạt cho thành phố. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 Dự án nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ, và sớm nghiên cứu xây dựng đập ngăn mặn sông Cầu Đỏ, đập tràn trên sông Cu Đê.

Giải đáp các vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thành phố hiện đang sơ kết tác dụng của van lật được triển khai thí điểm tại cửa xả Mỹ An, trên cơ sở đó sẽ đúc rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng tại các cửa xả khác. Ông cũng thống nhất với các giải pháp do Ban Đô thị HĐND thành phố đề xuất nhằm kiểm soát việc xử lý đầu nguồn của hệ thống xử lý nước thải. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng an ninh nguồn nước đóng vai trò hết sức quan trọng và cần phải được triển khai trước một bước. Theo đó, thành phố sẽ có báo cáo cụ thể với Thường trực HĐND thành phố liên quan đến vấn đề cấp bách này.

Cũng tại phiên họp, Thường trực HĐND thành phố và các thành viên dự họp đã thảo luận và báo cáo nhiều nội dung quan trọng khác theo Nghị quyết của HĐND thành phố về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm cũng như thông báo kết luận tại các phiên họp thường kỳ từ đầu năm đến nay như tiến độ triển khai đầu tư các lối xuống biển; chủ trương kêu gọi đầu tư các bãi đỗ xe; giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các nhà máy tại KCN Liên Chiểu và khắc phục tình trạng ô nhiễm tại Bãi rác Khánh Sơn; triển khai thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất rẻo trên địa bàn thành phố; xử lý các khu nhà ở tập thể xuống cấp trên địa bàn quận Hải Châu...

Cùng với đó, phiên họp cũng thống nhất với nội dung dự kiến của chương trình “HĐND với cử tri” lần thứ 4 sẽ diễn ra trước Kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2018, tập trung vào các nội dung liên quan kết quả thực hiện các kết luận tại chương trình HĐND với cử tri lần 1, 2 và 3 và thực hiện chuyên đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Dự kiến, chương trình sẽ diễn ra vào sáng ngày 30-10.

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác