Nghiên cứu đề xuất giải pháp ngầm hóa lưới điện và cáp thông tin khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 21-12-2017 09:44, Lượt xem: 681

I. THÔNG TIN ĐỀ TÀI
Tên đề tài: Nghiên cứu đề xuất giải pháp  ngầm hóa lưới điện và cáp thông tin  khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng

Chủ nhiệm đề tài:  KS. Nguyễn Đình Phúc

Cơ quan chủ trì:Sở Công thương thành phố Đà Nẵng

Năm nghiệm thu: 2013

II. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hệ thống lưới điện và cáp thông tin nổi đi dọc theo các tuyến đường được đánh giá là rất mất mỹ quan cho thành phố, nhất là cáp thông tin. Một số nơi còn tạo sự mất an toàn cho mọi người tham gia lưu thông cũng như cho việc vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng.

Là một trong năm thành phố lớn trong cả nước, Đà Nẵng không chỉ tập trung phát triển kinh tế, chính trị mà bộ mặt thành phố cần phải luôn được cải thiện để thể hiện một thành phố văn hóa, văn minh và hiện đại. Theo đó, đòi hỏi thành phố ngày càng phải được nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để đảm bảo tính tiện nghi cao và tiên tiến theo xu hướng của toàn cầu, góp phần đưa thành phố ngày càng văn minh, sạch đẹp, an toàn. Việc xem xét nghiên cứu các giải pháp để ngầm hóa các hệ thống truyền dẫn đang đi nổi (lưới điện và viễn thông) trong thành phố cũng nhằm thực hiện “Thành phố không dây” theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là một việc làm cần thiết và có xu hướng tất yếu.

Việc ngầm hóa lưới điện trên địa bàn thành phố để tạo mỹ quan đô thị theo chương trình công tác trọng tâm của Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời kết hợp ngầm hóa đồng bộ với cáp thông tin, lưới điện chiếu sáng để tránh đào đường nhiều lần.

Việc ngầm hóa lưới điện và cáp thông tin tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng sẽ góp phần tích cực giảm tình trạng dây chằng chịt như mạng nhện, chấm dứt tình trạng mất an toàn do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp như hiện nay.

Ngầm hóa lưới điện và cáp thông tin nâng cao độ tin cậycung cấp điện, đảm bảo nguồn cung ứng điện ổn định, chất lượng trong công tác quản lý vận hành, giảm tổn thất điện năng, giảm sự cố mất điện và an toàn trong vận hành hệ thống điện, hạn chế được phạm vi mất điện trên diện rộng khi cắt điện công tác, giảm thiểu tối đa sự mất điện do sự cố gây ra như: thiên tai, sét đánh, cây đổ ngã, động vật...gây ra. Đồng thời nâng cao tính an toàn sử dụng điện trong nhân dân, loại bỏ được các điểm mất an toàn do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Ngầm hóa lưới điện và cáp thông tin sẽ trả lại không gian cho cảnh quan đô thị để ngày càng khang trang và quang đãng hơn; đảm bảo tính mỹ quan cho khu vực đô thị, tăng hiệu quả sử dụng đất cho thành phố.

III. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

- Mục tiêu chính của đề tài là ngầm hóa lưới điện để nâng cao năng lực, độ tin cậy và an toàn cung cấp điện đồng thời kết hợp ngầm hóa cáp thông tin, dây chiếu sáng để đem lại mỹ quan cho đô thị;

-Đưa ra các giải pháp thay đổi kết cấu, chủng loại và vị trí lắp đặt cho các thiết bị nổi hiện hữu (như trạm biến áp, các thiết bị đóng cắt,…) thích ứng với lưới điện ngầm để đảm bảo lưới điện sau khi ngầm hóa được an toàn, ổn định và mỹ quan khi đưa vào vận hành;

- Quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nói chung và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật điện và thông tin nói riêng trong tương lai. Song song đó là việc bố trí sắp xếp quỹ đất cho các công trình ngầm trong tương lainhằm mục tiêu tạo sự phối hợp đồng bộ giữa ngành điện lực và ngành viễn thông trong việc ngầm hóa;

- Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để ngầm hóa lưới điện (điện áp từ 110kV trở xuống) và cáp thông tin tại khu vực trung tâm thành phố; đề ra các giải pháp và lộ trình tiến hành thực hiện các giải pháp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030;

- Khảo sát và đánh giá thực trạng hệ thống lưới điện và cáp thông tin của thành phố Đà Nẵng, trong đó chi tiết hóa khu vực trung tâm thành phố;

- Nghiên cứu các loại hình ngầm hóa phù hợp với thực trạng đường phố và hệ thống lưới điện hiện có.

IV. ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

- Kỹ thuật, công nghệ lưới điện; hệ thống lưới điện và cáp thông tin tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng;

- Kỹ thuật, công nghệ ngầm hóa hệ thống điện, thông tin liên lạc tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng.

2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu lí luận, bao gồm: tìm hiểu, thu thập tài liệu; đọc, phân tích, tóm tắt tài liệu để xác định cơ sở xây dựng đề tài;

- Trên cơ sở thu thập các dữ liệu khảo sát, các dữ liệu về các dự án giao thông, xem xét đánh giá khả năng ngầm hóa trên từng tuyến đường. Dự kiến sơ đồ kết cấu lưới mới sau ngầm hóa đảm bảo tính khả thi về mặt bằng, về vận hành lưới tin cậy có xét đến dự phòng phát triển trong tương lai. Lựa chọn các hình thức bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm phù hợp với đô thị và xu hướng phát triển lâu dài của đô thị.

3. Nội dung nghiên cứu

- Tổng hợp cơ sở lý luận để xây dựng đề tài bao gồm: Căn cứ pháp lý; Các quy chuẩn, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng; Các định nghĩa, khái niệm;

- Nghiên cứu và đánh giá hiện trạng lưới điện và cáp thông tin tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng;

- Nghiên cứu ngầm hóa hệ thống điện, thông tin liên lạc tại khu vực trung tâm thành phố;

- Đề xuất các giải pháp và lộ trình thực hiện ngầm hóa lưới điện và cáp thông tin tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng.


V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Đánh giá về các giải pháp ngầm hóa lưới điện và cáp thông tin đang triển khai áp dụng
2. Nghiên cứu ngầm hóa hệ thống điện, thông tin liên lạc tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng 
3. Các nhóm giải pháp và lộ trình thực hiện ngầm hóa lưới điện và cáp thông tin tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng 
 

 

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác